Thế giới

'Mùa hè tuyệt vời' của Tổng thống Putin

Chỉ trong 3 tháng qua, ông Putin đã thâu tóm mọi lợi ích có thể vào trong tầm tay, từ chiến trường Syria, biên giới Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ phú Trump và cả Brexit.

Tờ Japan Times của Nhật Bản đã đăng tải một bài bình luận dài điểm lại những thành tựu nổi bật và những lợi ích cốt lõi mà nhà lãnh đạo kỳ cựu nước Nga đạt được trong thời gian qua với tựa đề: "Mùa hè tuyệt vời của Tổng thống Putin".

Tờ báo này cho rằng mọi thứ luôn không hề dễ dàng với ông Putin và nước Nga khi quốc gia này đang phải chịu áp lực vô cùng lớn từ Mỹ và phương Tây trên cả hai lĩnh vực đối ngoại và kinh tế.

Tổng thống Nga Putin đã giành thắng lợi trên nhiều mặt trận trong mùa hè vừa qua.

Một nước Mỹ hùng mạnh cùng với NATO đang đối đầu với Moscow trong cuộc xung đột ở Syria và một lệnh trừng phạt kinh tế đến từ EU sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Tất cả khiến Nga rơi vào tình thế gần như bị cô lập và xoay xở khó khăn với nguồn nội lực quốc gia có hạn. Bởi vậy một tính toán sai lầm từ người đứng đầu điện Kremlin cũng có thể mang đến những hệ quả vô cùng tai hại.

Thế nhưng chỉ trong vòng 3 tháng qua, Tổng thống Nga Putin đã có thêm những bước tiến đáng kinh ngạc: Tích lũy thêm quân tại biên giới Ukraine, không kích hiệu quả mục tiêu khủng bố ở Syria, liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên chủ chốt của NATO, nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ một nhân vật đang là ứng cử viên Tổng thống Mỹ và hưởng lợi từ Brexit.

Tờ Japan Times nhận xét rằng nhà lãnh đạo nước Nga đang gấp rút thâu tóm mọi lợi ích có thể nhất vào trong tay mình nhân thời điểm nước Mỹ đang xao nhãng vì cuộc bầu cử tổng thống.

Mối quan hệ Nga-Thổ mới chỉ một vài tháng trước còn đang trở nên căng thẳng sau vụ việc Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga ở Syria hồi tháng 11/2015, thế nhưng giờ đây mọi thứ đã kết thúc nhanh chóng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan viết thư gửi ông Putin với lời xin lỗi đầy bất ngờ sau hơn nửa năm xảy ra vụ việc nói trên.

Không ngần ngại trong việc tỏ ra là một người cao thượng, nhà lãnh đạo nước Nga chấp nhận lời xin lỗi và ông Erdogan đã có chuyến thăm Moscow trong cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần trước. Cuộc gặp khiến cả hai trở nên khăng khít với nhau đến mức làm cho phương Tây lo ngại về sự quay lưng với NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới quan sát nhận định, việc “đánh rơi” Thổ Nhĩ Kỳ của phương Tây đang trở thành điều có lợi cho Nga.

Chính phủ Syria đang lấy lại ưu thế trong cuộc đối đầu với phe nổi dậy tại nhiều vùng cứ điểm quan trọng. Nga là đồng minh quan trọng của Damascus ở Trung Đông và một khi uy tín của chính phủ Assad được hậu thuẫn bởi ông Putin tăng lên ở Syria, tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực cũng mở rộng lên theo tỷ lệ thuận.

Bên cạnh những điều trên, Tổng thống Putin cũng có niềm vui cho riêng mình khi việc bỏ phiếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) đã phần nào đó làm suy yếu đi tổ chức hợp tác lâu đời nhất trên lục địa này.

Việc mất đi một thành viên chủ chốt đã khiến cho các ủy ban của liên minh buộc phải loại bỏ các mối ưu tiên đối với nước ngoài để tập trung vào việc "chữa lành" các vết thương nội bộ. Nói cách khác, châu Âu sẽ tập trung hướng nội và sẽ không hào hứng với việc tranh cãi với Nga hay tập hợp lại thành một khối chống lại Moscow như lúc trước.

Còn với Vương quốc Anh, kinh tế của quốc gia này cũng phải có sự thay đổi lớn. Khi mất đi thị trường chung châu Âu, London sẽ cần tập trung tìm kiếm các nguồn thay thế hơn là việc tạo thêm những xung đột mới. Điều này có thể sẽ làm giảm bớt đi phần nào đó lệnh trừng phạt nhắm vào Nga trước đây vốn được người Anh ủng hộ mạnh mẽ nhất.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Putin sẽ cảm thấy hài lòng trước sự nồng nhiệt bất ngờ của ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Mặc dù không có bất cứ liên quan gì trước đó giữa người đứng đầu điện Kremlin và nhà tài phiệt lắm tài nhiều tật này, thế nhưng Trump vẫn đang khiến cho cả nước Mỹ sục sôi với những tuyên bố được cho làm tổn hại đến lợi ích quốc gia khi nói rằng muốn hợp tác toàn diện với Nga, làm ấm lại mối quan hệ hai nước và không quên khen ngợi ông Putin bằng những lời có cánh.

"Hiện tượng Trump" đã buộc nhiều nhà quan sát tự hỏi điều gì đang xảy ra trong nền chính trị của một quốc gia đứng đầu của thế giới phương Tây, khi một người có thể trở thành tổng thống nước Mỹ lại ủng hộ cho một nhân vật đến từ Nga, một quốc gia vốn còn chưa hết hiềm khích từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong mắt của nhiều chính trị gia phương Tây, hình ảnh ông Putin vốn chỉ được mô tả như một "kẻ độc đoán" và "chuyên quyền". Mặc dù vậy, điều đó dường như không quan trọng và người Nga cũng không cần tìm hiểu căn nguyên sâu xa, bởi dù là bất kỳ lý do nào thì như Tổng thống Putin đã từng nói: "những gì có lợi cho Nga thì hà cớ gì mà tôi không chào đón".

Tất nhiên, "mùa hè của ông Putin" vẫn còn những chân trời u ám khi nền kinh tế vẫn tiếp tục gắng gượng với các tác động từ sự suy giảm giá năng lượng, cũng như sức ép ngày càng lớn từ các biện pháp trừng phạt từ phương Tây do những hậu quả của việc sáp nhập Crimea và chiến sự tại Ukraine.

Nền kinh tế Nga đã giảm 3,75 % trong năm 2015 và đã tiếp tục giảm trong hai quý đầu tiên của năm 2016. Quyết định cấm nhiều vận động viên Nga tham dự Thế vận hội Olympic Rio 2016 từ Ủy ban Olympic quốc tế cũng là một trong những điểm tối của quốc gia này trong thời gian qua.

Tờ Japan Times cho rằng những "thất bại" như vậy cũng không phải là điều khiến nhà lãnh đạo nước Nga quá phiền lòng. Quan trọng hơn ông Putin đã giành được nhiều thắng lợi về mặt địa chính trị và chứng tỏ được sức mạnh của Nga là không dễ để phương Tây có thể gây áp lực.

Mỹ đang quá bị ám ảnh vào những lời cáo buộc điện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ mà quên đi việc Nga đã làm được khối lượng thành tựu lớn đến dường nào trong thời gian qua.

Tác giả bài viết: Minh Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP