Trong tỉnh

Miền núi Nghệ An đang ‘tắc' giải ngân chương trình giảm nghèo bền vững?

Khu vực miền núi Nghệ An vẫn chưa thể bứt lên như kỳ vọng, một phần nguyên nhân do 'chậm' thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Người dân vùng cao Nghệ An khó tiếp cận với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh Nghệ An không diễn tiến như kỳ vọng, đặc biệt là chương trình giảm nghèo bền vững.

Giải ngân quá chậm, khối lượng thực hiện hạn chế đồng nghĩa mức độ lan tỏa không cao, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các đối tượng thụ hưởng mà phần đa là hộ nghèo, người có gia cảnh khó khăn. Thực trạng buồn “vắt” từ năm này sang năm khác khiến các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… thực sự bất an.

Bí bách ra sao cứ nhìn vào Kỳ Sơn, một trong những huyện nghèo, khó khăn bậc nhất cả nước sẽ rõ. Huyện này có diện tích tự nhiên 209.484 ha, địa hình hiểm trở, đất bằng chỉ có 1%, còn lại là đồi núi với độ dốc trên 30°. Dân cư sống rải rác, không tập trung, khoảng cách giữa các bản xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống nhân dân còn nghèo và lạc hậu.

Tựu chung Kỳ Sơn cần một điểm tựa đủ lớn để vượt lên nghịch cảnh, tiếc thay chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Điều này được minh chứng rõ nét qua những con số thống kê, nhìn vào đấy đủ thấy được thực trạng buồn.

Kỳ Sơn nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh nhưng vẫn nghèo. Ảnh: Việt Khánh.

Được biết ngân sách Trung ương (bao gồm vốn đầu tư phát triển; vốn sự nghiệp) cấp cho huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2022 – 2024 đạt trên 256 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư gần 220 tỷ, còn lại là nguồn sự nghiệp. Tiền có, nhưng công tác giải ngân hết sức nhỏ giọt.

Đơn cử như Dự án 1 về hỗ trợ phát triển hạ tầng, trong năm 2022 chỉ đạt 36,29%, năm 2024 đạt 0%, tổng kinh phí cả giai đoạn đạt 31.50%. Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng đạt 0%; Tiểu dự án 2 – dự án 4 về hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 5,84%.

Tiến độ giải ngân của chương trình quá ì ạch góp phần làm chậm kế hoạch thoát nghèo của Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

Nguyên nhân kìm hãm thì vô vàn, khách quan cũng lắm mà chủ quan cũng nhiều. Trước tiên phải thừa nhận Kỳ Sơn là một huyện nghèo, địa bàn rộng, dân số đông, điều kiện khí hậu, thời tiết quá khắc nghiệt; trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sản xuất còn lạc hậu.

Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn để thực hiện còn chậm, thường chia thành nhiều đợt, không tập trung mà “rải” ra ở nhiều ngành, lĩnh vực nên khó quản lý. Tương tự, việc triển khai các hoạt động của dự án, tiểu dự án cần phải lập, xây dựng kế hoạch từ dưới lên trên, phải qua nhiều khâu, nhiều bước; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng đòi hỏi phải có thời gian, thực hiện theo đúng quy trình.

Quy định chưa theo kịp thực tiễn là một nhẽ, sở dĩ chủ trương lớn chưa lan tỏa như kỳ vọng cũng có trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể do chưa thực sự sâu sát. Ngoài ra cũng phải nhắc đến vai trò then chốt của các Sở, ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi, đặc biệt là tư cách chủ trì của Sở LĐ-TB&XH Nghệ An.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững chưa đến được đích tức thì kéo theo những hệ lụy nhãn tiền cho Kỳ Sơn, thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn Nghệ An (8.424 hộ nghèo, chiếm 49,68%). Nhìn vào đó có thể khẳng định kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.

Đã qua 3 năm nhưng Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn chưa vào guồng, kéo theo quyền lợi của người dân các huyện miền núi Nghệ An bị ảnh hưởng trầm trọng. Ảnh: Việt Khánh.

Mong muốn nắm bắt chủ trương chung của Nghệ An trong việc xử lý, tháo gỡ những nút thắt đeo bám dai dẳng, PV Nông nghiệp Việt Nam đã liên hệ với Sở LĐ-TB&XH, đơn vị chủ trì Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại địa phương này.

Bộ phận văn phòng của Sở LĐ-TB&XH thông tin, trên cơ sở tiếp nhận nội dung đăng ký, lãnh đạo Sở đã phân công cán bộ của Phòng Bảo trợ trực tiếp đứng ra làm việc và giải đáp những thắc mắc (nếu có). Tuy nhiên, qua trao đổi vị này lại khẳng định: Bản thân không được phép phát ngôn(?!).

Bên cạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững được kỳ vọng sẽ sớm tạo nên những bước chuyển mang tính căn cơ cho vùng cao Nghệ An, qua đó dần rút ngắn khoảng cách so với miền xuôi. Có điều diễn biến chung không như dự định, đã 3 năm kể từ thời điểm phát động mọi thứ vẫn chưa… vào guồng.

Tác giả: Việt Khánh - Ngọc Linh

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP