Trong lùm xùm mối quan hệ "anh em họ" giữa CEO Hồ Nhân và ca sĩ Hiền Hồ, nữ tiến sĩ, luật gia Nguyễn Thị Sơn, mẹ vợ của doanh nhân Hồ Nhân thể hiện sự bản lĩnh khi bình tĩnh bảo vệ con gái và cháu ngoại trước sóng gió.
Bà Nguyễn Thị Sơn được biết đến là "lão bà quyền lực" của Tập đoàn Sơn Kim Group. Ngoài lĩnh vực kinh doanh, bà còn tham gia vào lĩnh vực giáo dục với vai trò là Chủ tịch HĐQT Trường THCS -THPT Duy Tân, TPHCM được biết đến là một vị chủ tịch nghiêm khắc, gần gũi, tình cảm với học trò.
Bức thư bà Nguyễn Thị Sơn gửi cho học trò (Ảnh chụp lại màn hình). |
Trong bức thư "yêu thương học sinh như con cháu của mình" gửi học sinh cách đây không lâu, vị nữ Chủ tịch HĐQT đã chia sẻ về gia đình, con cái để nói lên quan điểm giáo dục của mình.
Bà nói với học trò, mình có 5 người con, tất cả đều đã có gia đình con cái. Các con bà đều là những người thành đạt, 4 người là giám đốc doanh nghiệp, một người là giảng viên đại học. Hai người con gái lấy chồng ở riêng, mỗi ngày chủ nhật đưa các cháu về thăm bà ngoại.
Trong lá thư, bà viết:
"Một gia đình hạnh phúc, vui vẻ, nhưng không phải không có lúc ầm ĩ. Lúc các con tôi còn nhỏ, cũng mải chơi, cũng lười học, thỉnh thoảng họp phụ huynh tôi cũng bị các thầy cô ca thán về việc nghịch phá của các con tôi.
Cũng có lúc tôi la mắng nhưng chẳng bao giờ tôi đánh con, chỉ khuyên bảo và tìm các biện pháp thay đổi môi trường học tập của các con cho phù hợp. Khi các con tôi trưởng thành, năm người con năm cá tính khác nhau, từng bước phấn đấu gây dựng sự nghiệp, cũng có lúc khó khăn rồi mới tới thành công và phát triển, nhưng vì bố mất sớm nên cả năm anh chị em đều yêu thương mẹ làm việc gì cũng không muốn để mẹ buồn.
Tôi kể cho các anh chị nghe một chuyện mà tôi tự hào khi dạy con tôi mặc dù con tôi là người lớn: Con trai tôi làm giám đốc doanh nghiệp, việc kinh doanh phát triển nên rất bận rộn, cả ngày giải quyết công việc, tối lại phải đi tiếp khách, về đến nhà có khi 12 giờ đêm, phảng phất mùi rượu.
Tôi thương con dâu, tối nào cũng thức chờ chồng, ở chung với mẹ chồng chịu đựng không dám lên tiếng nặng nhẹ với chồng. Lúc đầu tôi lớn tiếng hạch hỏi con trai, con trai tôi giải thích làm ăn thì phải tiếp khách.
Tôi không chấp nhận lý lẽ này vì tôi cũng từng là giám đốc doanh nghiệp, tôi không tiếp khách đến nửa đêm sao công việc vẫn trôi chảy. Khách hàng cần mua hàng hóa tốt của nhà sản xuất để bán chứ đâu có cần ngồi uống rượu, tuy rằng thỉnh thoảng các đối tác cũng cần mời nhau bữa cơm thân mật để bày tỏ thiện chí trong hợp tác kinh doanh.
Vì thế tôi yêu cầu con tôi dù bận cách mấy cũng phải về nhà trước 11 giờ khuya, sau 11 giờ không thấy về là tôi điện thoại nhắc nhở và ngồi chờ. Vài lần như thế thì con trai tôi không dám về trễ nữa. Sống trong một gia đình nề nếp nên các cháu nội của tôi rất ngoan, đi học về là chơi với bà nội, các cháu ngoại mỗi tuần về chơi cũng ngủ chung với bà ngoại, chúng chưa bao giờ biết đến cái roi, cái tát là gì".
Với vai trò là Chủ tịch HĐQT nhà trường, bà chia sẻ: "Hàng ngày tiếp xúc với các học sinh cấp 3, cấp 2 đa phần là học sinh nội trú từ các tỉnh về học. Từ tình thương yêu con cháu nên tôi cũng thương yêu các học sinh như chính con cháu của mình vì các cháu học sinh phải sống xa gia đình.
Tôi thông cảm với nỗi lo lắng của phụ huynh học sinh ngày nào cũng có điện thoại của phụ huynh gọi cho tôi, lo lắng việc học, việc ăn ở của các cháu. Bất cứ thông tin gì phản hồi từ phụ huynh tôi đều trực tiếp làm việc với Ban giám hiệu để giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Sơn cùng với học trò (Ảnh website trường). |
Thỉnh thoảng cũng có cháu chơi giỡn nghịch phá dẫn đến đánh nhau. Các thầy quản nhiệm báo cáo đòi đuổi học các học sinh bị xem là quậy phá. Tôi gặp các cháu, yêu cầu các cháu làm tường trình và mời phụ huynh cùng đến giải quyết.
Tôi phân tích tâm lý và lỗi của từng cháu, rồi cho các cháu tự đưa ra hình thức kỷ luật và cho các cháu cơ hội để sửa chữa. Xử sự trước mặt cả hai bên phụ huynh, ai cũng thấy hợp lý, không ai thấy con mình bị ức hiếp mà còn thông cảm hiểu rõ sự việc từ sự hiếu động của tuổi trẻ, nhất thời gây ra lỗi cần được uốn nắn dạy bảo chứ không đến nỗi phải đuổi học nên cả hai bên phụ huynh đều vui vẻ đồng tình với cách giải quyết của nhà trường".
Từ câu chuyện gia đình, nhà trường, bà Nguyễn Thị Sơn muốn nhấn mạnh không đồng tình với cách dạy con "yêu cho roi cho vọt" của người xưa. Bố mẹ khi đánh con thường xuất phát từ cơn giận, mà giận quá thì mất khôn, sẽ dẫn đến đánh quá tay làm tổn thương các cháu về cả thể xác lẫn tinh thần, gây cho các cháu sự đau đớn và sự sợ hãi, hoảng sợ làm ảnh hưởng đến tâm lý xử sự của các cháu trong tương lai.
Bà nhấn mạnh, ở trường các thầy cô càng không nên đánh học sinh, vì các thầy cô không phải là bố mẹ ruột của các cháu nên không thể có cảm giác đau đớn khi đánh các cháu. Nhất là đối với các học sinh cấp 3, đang ở độ tuổi bắt đầu muốn làm người lớn nhưng chưa phải là người lớn. Các cháu bắt đầu biết tự ái trước bạn bè, hoặc trước một bạn học mà cháu có cảm tình.
Những trường hợp vi phạm kỷ luật của học sinh, cần sự khuyến khích các cháu về lòng tự trọng, biết sự tôn kính thầy cô, sự thương yêu bạn cùng học và biết nhận ra những lỗi lầm để sửa chữa.
"Nhà trường có thể ví như một xã hội nhỏ, có học sinh giỏi, khá, trung bình và thậm chí có học sinh kém; có học sinh ngoan và học sinh chưa ngoan vì thế nhà trường quản lý học sinh vừa phải theo quy định của luật giáo dục, vừa phải theo quy chế học tập của nhà trường. Lớp học có thể xem như một gia đình lớn. Thầy cô là cha mẹ, học sinh là các con, thầy cô thương yêu chăm sóc dạy dỗ học sinh như con mình thì học sinh sẽ học chăm ngoan", bà nhắn gửi đến học trò và giáo viên.
Tác giả: Lê Đăng Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí