Mới đây, tại một cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hà Đông (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, hiện nay cả nước thiếu khoảng hơn 100.000 giáo viên. Trong năm 2022, cả nước cần tuyển thêm 27.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên và từ nay đến năm 2025 là 64.000 biên chế. Song chỉ tính riêng cho năm 2022, số giáo viên nghỉ việc đã lên đến 16.000 người. Đáng chú ý, không ít giáo viên có xu hướng từ bỏ trường công sang dạy tại các trường ngoài công lập.
Ảnh minh họa. |
Ông Ngô Minh Tuấn, người sáng lập Trường THPT Phạm Ngũ Lão (Hà Nội) cho rằng xu hướng chuyển dịch giáo viên từ trường công sang trường tư là điều hoàn toàn có thể hiểu được: “Mỗi người đều có những nhu cầu thiết yếu, đầu tiên là nhu cầu được tồn tại và sống, phụ thuộc vào thu nhập, đây cũng là vấn đề áp lực với nhiều người. Khi còn độc thân thì thu nhập có thể thấp, nhưng khi đã có gia đình, có con cái, nhu cầu kinh tế ngày càng rõ ràng. Trong khi đó, mức lương khi dạy ở các trường công khá thấp, còn lương tại các trường ngoài công lập lại trả cao hơn nhiều, vì vậy diễn ra một dòng chảy dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là tất yếu”.
Cũng theo ông Ngô Minh Tuấn, sở dĩ trước đây tình trạng chuyển dịch này không rõ ràng, bởi số lượng trường tư thục chưa nhiều, bên cạnh đó, nhiều người còn có quan niệm rằng làm nhà nước sẽ an toàn hơn. Còn hiện nay, “an toàn” không còn là vấn đề chính, bởi khi làm tại các trường tư, giáo viên vẫn có rất nhiều cơ hội, lựa chọn, có thể chuyển sang trường khác một cách dễ dàng. Như vậy, sự “an toàn” trong công việc ngày nay vẫn được bảo toàn và thu nhập lại cao hơn rất nhiều.
Ông Ngô Minh Tuấn cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch của giáo viên từ trường công sang trường tư do cả mức thu nhập, cơ hội làm việc và phát triển tốt hơn. |
“Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khác ngoài vấn đề tiền lương, là khi chuyển sang làm việc ở khu vực ngoài công lập, họ được đánh giá đúng với những gì cống hiến, thậm chí được tôn trọng và coi trọng hơn. Vì thế ở môi trường tư nhân, ngày Tết lãnh đạo mua quà cho nhân viên, còn khu vực nhà nước Tết đến nhân viên lo mua quà biếu lãnh đạo”, ông Ngô Minh Tuấn nói.
Đi dạy 5 năm, lương hơn 3 triệu đồng
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội 5 năm với 2 tấm bằng cử nhân ngành Sư phạm Mầm non và Sư phạm Tiểu học, nhưng hiện mức lương và trợ cấp đứng lớp của cô Nguyễn Thị Dung (Hải Dương) chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng với hệ số lương 1,86.
“Thời điểm ra trường về địa phương không còn chỉ tiêu tuyển giáo viên tiếng Anh tiểu học, nên tôi đành thi tuyển viên chức giáo viên mầm non, tuy nhiên yêu cầu đầu vào với giáo viên mầm non chỉ từ trung cấp. Thời điểm đó tôi có bằng đại học, nhưng cũng chỉ được nhận mức lương trung cấp. Đến giờ khi chuyển lên dạy tiếng Anh bậc tiểu học tại trường công, nhưng vẫn đang hưởng lương theo bằng trung cấp”, cô Dung cho biết.
Làm xa nhà hơn 10km, cô Dung tâm sự, tiền lương hàng tháng chỉ đủ tiền xăng xe, và trang trải được một phần rất nhỏ chi phí sinh hoạt gia đình, mọi khoản chi tiêu khác đều do chồng cô hỗ trợ, gánh vác.
“Nếu mỗi tháng có thêm vài ba đám cưới, đám hỏi, thì mức lương không đủ tiền đi cỗ, chưa kể thường xuyên có những khoản yêu cầu giáo viên đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện như các khoản tiền ủng hộ, các loại quỹ trong trường”, cô Dung chia sẻ.
Từng làm việc tại một trường ngoài công lập tại Hà Nội, cô Dung cho rằng, một giáo viên mới ra trường dạy ở trường tư cũng có thể được nhận mức lương cao gấp 3-5 lần lương tại trường công. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cởi mở, giáo viên được thoải mái sáng tạo nhiều hơn trong phương pháp giảng dạy.
“Từng từ bỏ trường tư để về quê dạy ở trường công với mong muốn gần nhà, nhưng đến nay mức lương không đủ sống. Tuy nhiên khi đã có gia đình, con nhỏ, thì khó có thể trở lại thành phố để làm việc tại các trường ngoài công lập như trước đây”, cô Dung chia sẻ và cũng cho biết, không ít lần có ý định muốn bỏ nghề vì áp lực kinh tế và công việc, song vẫn cố gắng bám trụ vì niềm đam mê với bục giảng, với học trò.
Khi được hỏi về vấn đề giáo viên nghỉ việc, thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) phải thốt lên rằng, đời sống của nhiều giáo viên cực kỳ khó khăn, sở dĩ thầy cô có thể gắn bó được với nghề giáo bởi phải bươn chải nhiều công việc khác nhau.
“Theo dõi trên báo chí, có lãnh đạo cho rằng, tình trạng giáo viên trường công nghỉ việc là chuyện “có vào có ra”, nhưng điều này không đúng. Tại các trường đang có 1 làn sóng dịch chuyển từ trường công sang trường tư bởi sức hấp dẫn từ chế độ tiền lương, đãi ngộ. Một giáo viên dạy Văn mới vào biên chế ở trường công chỉ được nhận mức lương hơn 3 triệu, nhưng cùng số tiết như vậy nếu dạy ở trường tư có thể được từ 7 triệu trở lên”.
Lương thấp giáo viên đi bán máy tính, lắp điện kiếm thêm thu nhập
Cũng theo thầy Nguyễn Văn Xuân, chính sách tiền lương tại khu vực công hiện nay vẫn “cào bằng”, 3 năm tăng lương 1 lần nên chưa tạo ra động lực cho những người có năng lực và cống hiến thực sự. Bên cạnh công việc giảng dạy chuyên môn, giáo viên trường công còn phải “gánh’ thêm hàng loạt các công việc về hồ sơ, thủ tục hành chính rườm rà. “Đơn cử như sổ dự giờ, Bộ GD-ĐT đã có quy định bỏ, nhưng thực tế ngành giáo dục nhiều địa phương lại không có thông báo bỏ để giáo viên được “nhẹ gánh””, thầy Xuân nói.
Công tác trong ngành giáo dục hơn 30 năm, nhưng thầy Nguyễn Văn Xuân cho rằng chính sách tiền lương cho giáo viên chưa có nhiều thay đổi. |
Công tác trong ngành giáo dục hơn 30 năm từ 1989 đến nay, thầy Nguyễn Văn Xuân cho biết, đã nhiều lần hy vọng vào những đề xuất, kiến nghị về cải cách, nâng cao đời sống cho giáo viên, song từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi. Mức lương được điều chỉnh chủ yếu “vá víu” vào trượt giá, lạm phát.
Để sống được bằng nghề giáo, thầy Xuân cho biết, giáo viên trong trường THCS Hạ Bằng phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống: “Có những thầy cô ngoài giờ lên lớp đi bán bảo hiểm, bán hàng online trên mạng, có thầy cô 1 buổi làm việc trên trường, một buổi đi làm thêm tại các doanh nghiệp bên ngoài.
Có thầy giáo dạy Tin về nhà bán máy tính, thầy dạy Vật lý đi lắp điện nước, sửa điện, đổ mực máy in, có cô bán tạp hóa… Thầy cô phải rất năng động, cố gắng làm nhiều việc mới có thể sống được với nghề, và phải thừa nhận rằng họ sống được bằng thu nhập từ nghề tay trái chứ không phải bằng lương giáo viên”, thầy Xuân ngậm ngùi nói.
Với những cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc còn nhiều bất cập như hiện nay, thầy Nguyễn Văn Xuân cho rằng, nhiều giáo viên giỏi sẽ có xu hướng chuyển sang làm việc tại các trường ngoài công lập. Vị Hiệu trưởng kiến nghị ngành Giáo dục cần phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xem xét lại hệ thống thang bảng lương, cách tính lương, nhất là đối với giáo viên trẻ mới ra trường để đảm bảo mức sống tối thiểu, thu hút những người giỏi gắn bó với ngành sư phạm./.
Tác giả: Nguyễn Trang
Nguồn tin: vov.vn