Khi giáo viên cắt rừng vào với học trò sau lũ quét
Quãng đường từ thị trấn Mường Xén vào xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) dài khoảng 12 km và đang bị hư hỏng nặng, nhiều đoạn bị trôi hoàn toàn sau cơn lũ quét kinh hoàng vừa qua.
Đồng nghĩa với việc đó, địa bàn xã Tây Sơn từ thị trấn Mường Xén đi Tây Sơn đang bị cô lập, mất điện lưới, thông tin liên lạc chưa thể kết nối, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Đường vào xã Tây Sơn bị lũ quét cắt đứt con đường vẫn chưa thể khắc phục hậu quả (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Để vào được trường với học trò thầy, cô giáo của nhà trường mang theo lương thực, thực phẩm, nước uống cắt rừng, lội suối. Nhiều đoạn, thầy cô phải dìu dắt nhau qua những dòng suối nước chảy xiết, đục ngầu.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Võ Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú (PTCS DTBT) Tây Sơn cho biết, hiện trường có 37 giáo viên, cán bộ, công nhân viên (bao gồm cả Tiểu học và Trung học cơ sở); trường có 366 học sinh, trong đó có 120 em ăn ở bán trú.
"Trong đợt lũ vừa qua, chúng tôi duy trì giáo viên trực tại trường thực hiện nhiệm vụ, qua lũ toàn bộ giáo viên, học sinh đều đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên một số gia đình giáo viên gặp khó khăn khi bị lũ cuốn đất đá vào nhà và mất nhiều thời gian để khắc phục", cô Vinh nói.
Cô giáo Vinh cũng cho biết thêm, xác định hành trình vào trường thời điểm này sẽ rất nguy hiểm và có khi phải mất 4-5 tiếng mới đến nơi. Nhưng vì nhiệm vụ, tình thương với học trò, các thầy cô quyết tâm khắc phục khó khăn để trở lại trường.
Cô Vinh cũng cho biết, mặc dù địa bàn xã Tây Sơn không nằm trong tâm lũ xảy ra vào ngày 2/10, nhưng tuyến đường giao thông Tây Sơn - Mường Xén bị chia cắt hơn 8km, nên phương tiện đi lại vận chuyển gần như tê liệt một tuần nay khiến cuộc sống của học sinh và giáo viên Trường PTCS DTBT Tây Sơn lâm vào cảnh thiếu thốn.
Nguồn lương thực thực phẩm dự trữ cạn kiệt, trong kho nhà trường gạo cho học sinh không còn nhiều, chỉ còn một ít gạo cầm cự tầm 2 ngày tới để nấu ăn cho 120 học sinh.
Một góc huyện Kỳ Sơn mùa mưa lũ (Ảnh: Nguyễn Duy). |
"Để đảm bảo cuộc sống cho học sinh bán trú, ổn định công tác dạy và học trong thời gian tới cho 120 em học sinh và 37 giáo viên ở nội trú, nên nhà trường chúng tôi có làm tờ trình lên quý cấp trên xem xét hỗ trợ một số lương thực và nhu yếu phẩm như: gạo, mì tôm, nước mắm, muối ăn, mì chính, dầu ăn và các thực phẩm khô, hộp nếu có để giúp các em học sinh", cô Vinh chia sẻ.
Cô Lã Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường PTCS DTBT Tây Sơn cho biết, do vừa ngày qua mưa, lũ quét làm cho con đường từ bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ đi vào xã Tây Sơn bị cắt đứt không thể đi lại, nên các giáo viên ở vùng trong gặp quá nhiều khó khăn, gian nan…
Các giáo viên nữ Trường PTCS DTBT Tây Sơn băng qua suối phải nhờ đến đồng nghiệp nam giúp sức (Ảnh: L.H). |
Cô giáo Huyền vượt qua chặng đường dài mất gần 6 tiếng đồng hồ được nghỉ ngơi khi về gần tới trường (Ảnh: L.H). |
"Không ngờ ở trời Tây (ý nói là xã Tây Sơn) mà có lúc sợ đói, sợ thiếu lương thực thực phẩm, sợ mưa, sợ một hôm nào đó bất ngờ trời buồn trời đổ cơn mưa thì những đoạn đường tạm kia trôi.
Với hơn 8km trong đó nhiều đoạn mất sạch đường bởi lũ cuốn phăng, chỉ còn những vực sâu hun hút, để sửa chữa và làm mới lại con đường này thì cần một thời gian rất dài", cô Huyền chia sẻ.
Theo cô Huyền, để đi từ thị trấn Mường Xén vào Tây Sơn dịp này phải nhờ bạn bè tăng bo xe máy từng đoạn qua địa bàn 2 bản lũ quét Hòa Sơn và Sơn Hà. Sau đó, đến cuối bản Sơn Hà, các thầy cô giáo băng rừng, lội suối và đi bộ gần 6h mới vào được đến trường.
Các giáo viên phải đi ngay dưới con suối vừa mới bị lũ tàn phá (Ảnh: L.H). |
Các giáo viên Trường PTCS DTBT Tây Sơn băng qua những đoạn đường bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng (Ảnh: Lã Huyền). |
"Vào được trường rồi thì mất điện, mất mạng (internet), bà con trong xã cũng gần một tuần bị cô lập nên cả bản bắt đầu thiếu gạo, mì tôm, thức ăn... Đây là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi người đùm gạo, nắm cá khô, can xăng, chai nước… rồng rắn lội suối, trèo đèo để vào trường chăm lo sự học cho các em và may mắn mọi người đều an toàn", cô Huyền chia sẻ thêm.
Ngành giáo dục Kỳ Sơn khó khăn sau lũ
Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau của huyện biên giới Kỳ Sơn, trong đó Ngành giáo dục đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương, các trường học và giáo viên đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để đưa công tác dạy và học sớm trở lại bình thường.
Để vào trường dạy học, các giáo viên Trường PTCS DTBT Tây Sơn phải bắc những cây gỗ nhỏ tạm để đi lại (Ảnh: LH). |
Cơn lũ quét đi qua, điểm Trường Mầm non của các bản Hòa Sơn và Sơn Hà, xã Tà Cạ bị đất đá bồi lấp gần chạm mái nhà, một số điểm trường khác trên địa bàn huyện cũng bị hư hỏng nặng, phải mất nhiều thời gian khắc phục.
Cùng với đó, tuyến giao thông từ trung tâm huyện vào một số xã như Tây Sơn, một số địa bản như bản Cánh, Bình Sơn 2 (xã tà Cạ) bị sạt lở nghiêm trọng, khiến cho việc đi lại của người dân nói chung và giáo viên các trường học nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
Giáo viên băng rừng vào xã Tây Sơn (Ảnh: L.H). |
Sau nhiều giờ leo núi, vượt suối các giáo viên nghỉ ngơi chút ít (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, Ngành giáo dục huyện nhà không chỉ đối diện về cơ sở trường lớp hư hỏng, giao thông đi lại khó khăn… đặc biệt, có nhiều giáo viên, học sinh nhà cửa bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, mất tất cả… ảnh hưởng đến quá trình dạy và học.
Theo thống kê của ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn, hiện có 79 giáo viên công tác trên địa bàn bị lũ cuốn, sạt lở đất làm hư hỏng nhà cửa, tài sản với tổng thiệt hại ước tính trên 9 tỉ đồng.
Căn nhà của cô giáo La Thị Vân bị lũ quét làm thiệt hại hoàn toàn (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Trong số 79 trường hợp trên, có 14 thầy, cô giáo có nhà cửa bị lũ cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn và mất mát toàn bộ tài sản. Họ đang đứng trước cảnh trắng tay sau lũ.
Cô La Thị Vân (SN 1986), trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ - dạy Mầm non ở xã Bảo Nam - cách nhà khoảng 30km vẫn còn hoang mang kể lại, hôm đó khoảng 7h sáng 2/10, chị trên đường đi xe máy mua đồ về.
Khi về gần đến nhà, chị thấy nước từ thượng nguồn cuồn cuộn chảy xuống. Theo phản xạ tự nhiên, chị băng qua hàng rào tìm đứa con nhỏ đang chơi ở hàng xóm rồi bế chạy thẳng lên rừng.
Cô Vân cho biết, căn nhà này được xây dựng nên khi phải vay ngân hàng khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, đợt lũ quét vừa qua ngôi nhà bị lũ cuốn sập và thiệt hại về tài sản khoảng 400 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Duy). |
"Chỉ trong chốc lát, nước lũ cuồn cuộn đổ về đã cuốn đi mọi thứ. Sau khi nước rút, tôi về nhà thì một khung cảnh tan hoang như chiến trường, nước lũ cuốn đi mọi thứ… Đây là cơn lũ quét kinh hoàng nhất từ khi tôi sinh ra, lớn lên.
Căn nhà tôi mới xây dựng và phải vay mượn ngân hàng gần 200 triệu đồng, ở được mấy tháng thì nay bị lũ quét làm hư hỏng hoàn toàn. Tổng thiệt hại mưa lũ gây ra cho gia đình tôi cũng hơn 400 triệu, giờ thì không biết kiếm ra đất để dựng cái lều", cô Vân chia sẻ.
Còn cô giáo La Thị Coóng, trú bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ - dạy học Trường Mầm non ở xã Chiêu Lưu 2 cách nhà khoảng 30km, trong đợt lũ quét vừa qua toàn bộ căn nhà bị lũ cuốn sập, hư hỏng hoàn toàn.
Nhà cô giáo La Thị Coóng bị lũ cuốn sập hoàn toàn, còn lại một số cột gỗ (Ảnh: Nguyễn Duy). |
"Đợt lũ vừa qua, căn nhà này bị lũ cuốn, giờ còn lại mấy cái cột, mất hết tất cả rồi nhà báo à. Gia đình tôi giờ không biết bấu vào đâu nữa", cô Coóng nói trong nước mắt.
Mặc dù chưa thể thống kê đầy đủ nhưng cũng đang có hàng trăm học sinh của các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua. Chính các em học sinh cũng mất hết sách vở, quần áo, đứng trước cảnh gia đình khó khăn, rất nhiều em có nguy cơ bỏ học giữa chừng.
Ngôi trường Mầm non bản Hòa Sơn bị lũ nhấn chìm, ngập bùn đất khoảng 2m (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Căn cứ vào thực tế, ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn đang chỉ đạo ban giám hiệu các trường bố trí giáo viên dạy thay những thầy, cô giáo chịu thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua để tập trung khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trước mắt.
Hiện nay, ngành giáo dục đã phát động kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ cho giáo viên, học sinh vượt qua khó khăn sau lũ để yên tâm việc giảng dạy và học tập.
Tác giả: Nguyễn Phê
Nguồn tin: Báo Dân trí