Giáo dục

“Liệu cơm gắp mắm” trong chọn ngành, chọn trường khi học phí đại học tăng

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 100 trường đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2024, trong đó có mức học phí.

Trong bối cảnh học phí đại học đang được các trường điều chỉnh tăng theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thì việc chọn trường, chọn ngành được miễn, giảm học phí hoặc có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình đang là mối quan tâm lớn của nhiều học sinh, phụ huynh, nhất là thời điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học đang đến rất gần.

Thêm một số ngành học khối sức khỏe được miễn học phí

Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, trong đó có quy định một số chuyên ngành khối sức khỏe sẽ được miễn 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học. Cụ thể, Nhà nước có chính sách về cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.

Việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế sẽ giúp người học giảm được áp lực khi đi học. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước; hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Theo quy định tại Luật Khám chữa bệnh năm 2009, Nhà nước chỉ miễn học phí đối với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần. Như vậy, tính đến thời điểm này, số chuyên ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe được miễn 100% học phí đã tăng lên với việc thêm các chuyên ngành tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Ở nhóm ngành Khoa học xã hội, các ngành học được miễn học phí gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lê Nin. Ngoài các ngành học trên, sinh viên hệ cử tuyển, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, sinh viên người dân tộc thiểu số ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn cũng được miễn học phí khi theo học các cơ sở đào tạo đại học công lập.

Bên cạnh đó, Nghị định số 81 của Chính phủ cũng quy định một số ngành sinh viên được giảm 70% học phí gồm: Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật như nhạc công kịch hát dân tộc; nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ; diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống; các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH quy định.

Cân nhắc bài toán học phí trước khi đăng ký xét tuyển

Trong bối cảnh học phí đại học đang được các trường điều chỉnh tăng theo lộ trình của Nghị định số 81 thì việc lựa chọn trường, chọn nghề phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình đang trở thành bài toán không dễ đối với nhiều người học, nhất là các em học sinh có điều kiện kinh tế không dư dả hoặc khó khăn. Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: Trước đây em định hướng thi vào ngành Răng Hàm Mặt nhưng mức học phí của ngành học này hiện rất cao cả ở khối trường dân lập lẫn công lập.

Do điều kiện kinh tế gia đình không thể đáp ứng được trong khi thời gian đào tạo lại kéo dài 6 năm nên em quyết định sẽ điều chỉnh sang các trường, các ngành học có mức học phí thấp hơn. Em Trần Hồng Thắng, học sinh lớp 12, Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) cũng chia sẻ: Từ lâu, em đã ấp ủ nguyện vọng thi vào Học viện Ngoại giao. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về học phí của trường thấy các ngành đào tạo đều có mức học phí trên 4 triệu đồng/tháng nên em cũng đang phải cân nhắc, tính toán lại cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, ngoài sở thích, sở trường và nhu cầu xã hội, học phí cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà thí sinh phải cân nhắc khi chọn trường, chọn ngành học. Đối với thí sinh có điều kiện bình thường hoặc khó khăn nên chọn các trường đại học chưa tự chủ, hoặc tự chủ cấp 1, hoặc cấp 2 vì các cơ sở này có mức học phí vừa phải. Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, một trong những nguyên tắc để chọn ngành, chọn trường đại học là thí sinh cần căn cứ vào năng lực tài chính của gia đình. Theo đó, nếu ngành học mà mình yêu thích có học phí quá cao, tài chính không thể đáp ứng, các em nên cân nhắc việc đăng ký xét tuyển.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cũng cho rằng, thực tế không ít thí sinh chọn trường có học phí không phù hợp nên rất áp lực khi đi học. Do đó, thí sinh cần xem khả năng của gia đình, bản thân có đáp ứng được vấn đề học phí, chi phí học tập hay không trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Tác giả: Huyền Thanh

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP