Khai hội đền Đức Hoàng năm 2016 (Ảnh: Dân trí)
Lễ hội đền Đức Hoàng xã Phúc Thành là một trong những lễ hội lớn tổ chức vào dịp đầu xuân ở huyện Yên Thành. Năm nay lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện và sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 đến 27/2/2017 (tức 29/1 đến 2/2 năm Đinh Dậu). Hiện tại, công tác chuẩn bị đang gấp rút được hoàn thành...
Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: chung kết giải bóng chuyền nam toàn huyện; giao lưu bóng chuyền nữ giữa các đội mạnh; thi đấu vật truyền thống, đẩy gậy, kéo co; thi trống tế giữa các dòng họ; đua thuyền; liên hoan văn nghệ các làng văn hóa; liên hoan câu lạc bộ dân ca các xã trong huyện; hội thi người đẹp đền Đức Hoàng và hội thả hoa đăng... đã sẵn sàng.
Cùng với đó là công tác đảm bảo an ninh trật tự, sắp xếp bến, bãi đỗ xe cũng được rà soát, tăng cường trước những ngày diễn ra lễ hội. Năm nay, UBND xã Phúc Thành cũng đã bố trí địa điểm gửi xe miễn phí cho du khách, đồng thời làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tăng cường kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, xóa bỏ nạn ăn xin, hành khất, cờ bạc dưới hình thức trá hình...
Đông đảo nhân dân rước lễ ngày khai hội
Theo đó, chính quyền địa phương và công an huyện đã xây dựng phương án bảo vệ lễ hội một cách cụ thể. Trong đó chú trọng về ANTT trên địa bàn, tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng cướp giật tài sản; gây rối trật tự; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCN và tạm trú tạm vắng, đảm bảo an toàn cho du khách.
Đền Đức Hoàng được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, thời nhà Trần. Tương truyền, nơi đây là 1 trong 8 cảnh đẹp nổi tiếng của Đông Thành nhị huyện xưa. Đền được xây dựng để thờ vị tướng có nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên là Hoàng Tá Thốn, tự Hoàng Minh, hiệu Tô Đại Liêu, quê ở làng Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu). Thời niên thiếu, ông có sức khỏe hơn người, rất giỏi võ và đặc biệt có tài bơi lội. Khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, ông tham gia vào đội thủy binh thiện chiến của nhà Trần, được Hưng Đạo Đại Vương chiêu làm nội thư gia, giúp việc binh thư dưới trướng. Ông đã có nhiều công lao trong đánh giặc ngoại xâm, lừng lẫy nhất là cuộc chiến trước sông Bạch Đằng năm Mậu Tý 1288. Ông được cấp ấn phủ, thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền, dùng chiến thuật đục thuyền địch nên quân Nguyên đại bại, tướng giặc Thoát Hoan phải chạy về nước, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Sau chiến dịch Bạch Đằng, vua Trần Nhân Tông sắc phong Hoàng Tá Thốn là Sát Hải Đại Vương.
Sau khi đánh tan quân Nguyên Mông, Hoàng Tá Thốn tiếp tục thống lĩnh các đạo thủy quân coi giữ 12 cửa biển. Trong một lần đi tuần ven biển, ngài bị bệnh và qua đời vào đúng ngày mùng một Tết Nguyên đán tại Cửa Trào (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), triều đình đưa thi hài của ngài về an táng tại quê nhà.
Theo các sử liệu, Hoàng Tá Thốn không những có tài thao lược mà còn có công lớn trong việc chiêu dân, mở đất, lập làng... nên được nhân dân nhiều địa phương tôn làm Thành hoàng. Tại đền Đức Hoàng còn phối thờ thần rắn, Bạch Y công chúa và Mẫu Liễu Hạnh. Đền Đức Hoàng có 3 tòa: thượng, trung và hạ điện, quy mô kiến trúc không lớn nhưng cổ kính, linh thiêng, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đậm đà bản sắc văn hóa của người dân xứ Nghệ.
Lễ hội đền Đức Hoàng không thể thiếu các trò chơi dân gian
Lễ hội đền Đức Hoàng là nét đẹp truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của di tích và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân Yên Thành và du khách thập phương. Về với Lễ hội đền Đức Hoàng ngoài tri ân với công lao đối với các bậc tiền nhân, du khách còn được hòa vào không khí lễ hội vui tươi, tham gia lễ rước các vị thần linh theo truyền thống địa phương với tấm lòng thành kính.