Trong tỉnh

Làm rõ nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tham gia phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra vào chiều nay (6/12), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) nêu ý kiến

Bày tỏ băn khoăn, trăn trở về tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) đề nghị cần phải đánh giá một các khách quan, toàn diện và cụ thể; tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc này? Nhu cầu triển khai thực hiện các dự án tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là rất lớn, bà con rất trông mong trong khi đó có nguồn ngân sách mà không tiêu được?

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang trả lời

Về nội dung này, lãnh đạo các ngành chức năng được giao chủ trì thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã có trao đổi cụ thể. Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp việc triển khai thực hiện các Chương trình trên địa bàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang đã đưa ra nguyên nhân cụ thể. Ông Quang cho biết, ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã có chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thể hiện qua việc: Khi có kế hoạch vốn thì thực hiện thông báo vốn cho các chủ đầu tư; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và thành lập các Tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc 40 dự án, làm việc với 15 địa phương giải quyết các vướng mắc cho các chủ tư. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập các Tổ công tác cấp phòng trực tiếp xuống làm việc với các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để tháo gỡ các khó khăn về hồ sơ, nghiệp vụ.

Đồng thời, định kỳ 10 ngày/lần, các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình giải ngân vốn. Mặt khác, UBND tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo điều chỉnh vốn đầu tư từ rất sớm, từ tháng 6/2023 đến nay đã thực hiện điều chuyển được 47 lượt dự án với tổng số vốn 687 tỷ đồng, riêng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 đã điều chuyển 27 dự án với số vốn 27 tỷ đồng và năm 2023 thực hiện điều chuyển 25 dự án với tổng số vốn 51 tỷ đồng, đặc biệt là đã thực hiện điều chuyển chủ đầu tư từ UBND cấp huyện sang chủ đầu tư chuyên ngành.

Tính đến ngày 30/11/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 68%, trong đó: Đầu tư công tập trung đạt 58%, một số chương trình giải ngân khá như chương trình xây dựng Nông thôn mới (đạt 87%), ngân sách địa phương (đạt 67,2%), ngân sách Trung ương (đạt 63,7%).

Thừa nhận ý kiến của đại biểu phản ánh về 4 nguồn giải ngân chậm, trong đó nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đạt 36,09%; vốn nước ngoài mới đạt 36,31%; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 27,21%; Chương trình giảm nghèo bền vững giải ngân được 5,21 tỷ đồng, mới đạt 2,55%, theo Giám đốc Sở KH&ĐT việc giải ngân chậm ngoài nguyên nhân chủ quan liên quan đến năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp đã được phân tích rõ trong báo cáo, còn có nguyên nhân đặc thù của từng nguồn vốn.

Cụ thể, với nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Trung ương giao rất muộn. Các dự án mới đều là dự án có tổng mức đầu tư lớn, phải triển khai hồ sơ thủ tục nhiều bước, 2/3 dự án là dự án mua sắm thiết bị y tế, quy trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu cung ứng thiết bị. Bên cạnh đó, các văn bản quy định về việc thẩm định giá còn chồng chéo, nên cần thời gian. Đây là tình trạng chung của cả nước. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có kế hoạch điều hòa linh hoạt vốn, tỉnh đã thực hiện điều chuyển hơn 200 tỷ đồng từ nguồn này sang dự án khác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, việc giải ngân chậm là tình trạng kéo dài từ nhiều năm nay do đặc thù vốn nước ngoài quy trình phức tạp hơn nhiều so với các dự án trong nước, đồng thời do phải chờ duyệt rút vốn của Bộ Tài chính, các thủ tục đấu thầu, giải phóng mặt bằng… phải xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ, một số dự án phải đấu thầu quốc tế nên rất khó khăn, do một số chủ đầu tư không có kinh nghiệm.

Lý giải nguyên nhân chậm giải ngân nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và giảm nghèo bền vững, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang là vì số lượng văn bản ban hành để hướng dẫn triển khai các Chương trình rất nhiều (88 văn bản của 3 Chương trình, trong đó, 6 văn bản quản lý, điều hành chung; 31 văn bản quy định và hướng dẫn chương trình dân tộc miền núi; 18 văn bản quy định và hướng dẫn chương trình giảm nghèo). Trong khi đó, việc ban hành chưa đồng bộ, chưa kịp thời, vừa làm vừa chờ văn bản hướng dẫn, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới nên các địa phương còn lúng túng.

Mặt khác, kế hoạch vốn trung hạn Chương trình mục tiêu quốc gia giao chậm hơn so với các nguồn vốn khác. Giữa năm 2022, Trung ương mới giao vốn trung hạn và kế hoạch 2022 nên lượng vốn phải giải ngân trong năm 2023 khá lớn bao gồm cả vốn năm 2023 và vốn năm 2022 kéo dài. Trong khi đó, các dự án thuộc 2 chương trình này chủ yếu là dự án mới nên quy trình mất nhiều thời gian. Riêng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tất cả 383 dự án mới; còn Chương trình giảm nghèo bền vững có 37 dự án mới/tổng 39 dự án. Nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn, phải thực hiện thiết kế nhiều bước, vừa đấu thầu tư vấn, lập thiết kế bản vẽ thi công dự toán, vừa đấu thầu xây lắp, một số dự án quá trình khảo sát địa hình, địa chất phức tạp nên thời gian kéo dài.

Đối với Chương trình giảm nghèo tỷ lệ giải ngân thấp hơn 2 Chương trình còn lại một phần cũng do nguồn nhân lực làm việc tại các Ban quản lý dự án của 04 huyện nghèo còn rất mỏng, năng lực còn bất cập, hạn chế.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết thêm: Việc giải ngân chậm nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia cũng là tình trạng chung cả nước, vì vậy, Chính phủ cũng đã trình và Quốc hội đã thống nhất cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đối với kế hoạch năm 2023 và cả kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023.

Tác giả: NPV

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP