Trong tỉnh

Kỹ sư trẻ gác công việc như mơ lên đường nhập ngũ

"Chỉ là 2 năm thôi mà. Em đang cần rất nhiều thứ trong môi trường quân đội để trưởng thành hơn sau này. Không chỉ là nghĩa vụ công dân, đó là cơ hội cho hành trang ngày trở về của mình được đầy đủ hơn.

Em nói thật lòng, không hề miễn cưỡng đâu anh ạ", kỹ sư trẻ Nguyễn Công Kiệt - cán bộ Ban Quản lý dự án Điện nông thôn thuộc Tổng Cty Điện lực Miền Trung vui vẻ trò chuyện trong khi thử quân phục, sẵn sàng cho ngày lên đường nhập ngũ.

Kỹ sư trẻ Nguyễn Công Kiệt gác công việc để lên đường nhập ngũ.

Nguyễn Công Kiệt vẫn được nhiều học sinh ở các tỉnh thành trên cả nước gọi trìu mến là "thầy" vì khá nổi tiếng trên các diễn đàn tập trung những người yêu thích môn Hóa học. Không chỉ là học sinh giỏi toàn diện qua các cấp học từ miền quê nghèo xã miền biển Quỳnh Thọ, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An, rồi tốt nghiệp loại Giỏi trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Kiệt còn được nhiều người biết đến khi đã xuất bản 4 cuốn sách và tạo cảm hứng cho các bạn trẻ cả nước chinh phục môn Hóa học vốn được coi là khô khan.

Ở tuổi 25, nói không quá thì cái tên Nguyễn Công Kiệt được xem là "bảo bối" của một số nhà sách và sở hữu lượng "fan" yêu thích môn Hóa học rất lớn. Thế nên, ngày kỹ sư trẻ này thay hình đại diện trên facebook bằng chiếc mũ cối gắn sao vàng trước mùa tòng quân thì không ít người ngạc nhiên. Nhiều đồng nghiệp thì không lý giải được vì sao chàng trai mảnh khảnh đang có việc làm ngon lành, là mơ ước của bao kỹ sư, cử nhân lại đi bộ đội với tâm trạng còn vui hơn cả khi nhận quyết định lên lương! "Không phải em nói cho có đâu, bạn thân có đứa nhìn em thấp bé nhẹ cân, công việc lại đang rất tốt cứ mong em không qua được vòng khám sức khỏe nữa đó. Nhưng khám xong, em luôn chờ một kết quả tốt. Ngày có lệnh gọi nhập ngũ, em vui vì hai lý do: sức khỏe mình tốt và mình sẽ có 2 năm để trưởng thành hơn", Kiệt cười hiền.

Chàng thanh niên xứ Nghệ thuộc hàng em út của Điện lực Miền Trung nên được các anh chị đồng nghiệp gọi là Kiệt "con". Nhận quà chia tay kèm những lời tâm sự, chia sẻ của những người đi trước, Kiệt cảm động nhưng cảm thấy cũng có gì đó hơi khó nói, vì hình như mọi người "tiếc" cho mình quá, trong khi thực sự là mình đang rất háo hức. Công việc, cơ hội chỉ là tạm gác lại, chứ không phải là mất đi như nhiều người quan niệm. Ông Lê Phúc Lợi, một cựu chiến binh, hiện là Phó trưởng Ban Thanh tra, bảo vệ kiêm Phó ban Chỉ huy Quân sự Tổng Cty Điện lực Miền Trung cho biết, theo Luật Nghĩa vụ quân sự mới, công dân trong độ tuổi đang công tác tại các cơ quan, đơn vị được gọi nhập ngũ là chuyện rất bình thường.

Không chỉ là trách nhiệm với đất nước, đó cũng là vinh dự của tuổi trẻ. Đối với những thanh niên đã có công việc làm ổn định, ngoài việc gặp gỡ, động viên, các cơ quan đơn vị rất quan tâm đến quyền lợi, chính sách hậu phương quân đội để cán bộ, nhân viên của mình yên tâm rèn luyện, phấn đấu trong thời gian thực hiện nghĩa vụ. "Hàng năm chúng tôi luôn có cán bộ, nhân viên lên đường nhập ngũ. Hầu hết là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi trở về, họ trưởng thành rất nhiều, có những lợi thế riêng ngoài trình độ chuyên môn. Nhìn ở góc độ này, chúng tôi được hưởng lợi vì cán bộ của mình được rèn luyện tính kỷ luật, quy củ, khoa học, đoàn kết và rất bản lĩnh. Họ tạm dừng hai năm công việc chuyên môn nhưng rèn được những đức tính mà nhiều năm ngoài đời mới có được", ông Lợi chia sẻ.

Thanh niên đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc là lẽ thường. Nhưng tâm thế nhận nhiệm vụ, tâm thế lên đường như Kiệt chắc không phải ai cũng có, vì anh xác định "đây không chỉ là nghĩa vụ, đây còn là cơ hội cho mình". "Vậy có gì tiếc nuối khi 2 năm tới là một môi trường hoàn toàn khác, không phải là Hóa học vốn đã là đam mê, không phải là những dự án về điện là công việc chuyên ngành?". Chàng trai trẻ tâm sự, đó không phải là băn khoăn của bản thân, mà điều làm em suy nghĩ mấy hôm nay là phải làm cho ba mẹ mình hiểu về nhiệm vụ của mình. Ở một số vùng quê nghèo, lâu nay nhiều người vẫn cứ nghĩ là thanh niên không có việc làm, chưa vào "biên chế" mới thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cho nên khi nghe tin con đi bộ đội, mẹ Kiệt cứ "lăn tăn". "Anh trai tôi cũng là bộ đội nên chắc chắn sẽ hiểu, chị gái lại suy nghĩ rất cởi mở và hoàn toàn tôn trọng tôi. Chắc chắn rồi mẹ cũng hiểu. Thay vì chuyên môn, tôi sẽ được học kỹ năng, những kỹ năng mà nếu không có khuôn phép sẽ không học được. Cha ông mình ngày xưa đi bộ đội không biết ngày về. Mình chỉ một cái tết quân trường để cuộc sống trải nghiệm hơn thôi", Kiệt đội cái mũ sao vàng, mặc thử bộ đồ lính còn thơm nức rồi chào đi bàn giao công việc để chuẩn bị cho ngày lên đường.

Tác giả: Công Khanh

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP