Kinh tế

Kinh doanh ế vì corona, kiệt sức với chi phí mặt bằng

Kinh doanh gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong khi giá thuê mặt bằng quá cao, chôn vốn bởi tiền cọc, kinh doanh online bùng nổ... cùng hàng loạt khó khăn khác khiến nhiều người quyết định đóng cửa hàng, trả lại mặt bằng...

Người thuê trả nhà cho chủ trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhiều chủ cơ sở kinh doanh cho biết sẽ chuyển hướng hoạt động, giảm hoặc không mở mới các điểm kinh doanh, thay vào đó sẽ tập trung vốn để đầu tư cho hoạt động kinh doanh online vừa đỡ tốn chi phí thuê mặt bằng khá cao, vừa linh động trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Covid-19 là "giọt nước làm tràn ly"

Cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng loạt cửa hiệu thời trang tại TP.HCM cũng treo bảng "sang mặt bằng", "cho thuê nhà" xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến đường Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Trần Huy Liệu... thời gian gần đây.

Trong đó, nhiều hợp đồng thuê mặt bằng được kết thúc trước hạn, người thuê mặt bằng chấp nhận mất cọc để khỏi thua lỗ thêm.

"Dịch COVID-19 như cơn lốc, càn quét hết mọi tích trữ của tôi gần 2 tỉ đồng chỉ sau ba tháng. Chắc qua tháng sau tôi phải trả lại mặt bằng, hết cầm cự nổi rồi" - anh Đ.T., chủ các shop kinh doanh quần áo trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.1), cho biết.

Để có được mặt bằng ưng ý trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, anh Đ.T. cho biết đã chấp nhận "sang tay" lại từ một người môi giới với mức giá lên đến 350 triệu đồng, rồi mới được ký hợp đồng thuê mặt bằng 45 triệu đồng/tháng.

Còn mặt bằng trên đường Huỳnh Văn Bánh, anh ký hợp đồng thuê trực tiếp với chủ nhà, mức giá 15 triệu đồng/tháng. Theo anh Đ.T., sau tết thị trường thời trang vào mùa thấp điểm cộng thêm dịch COVID-19 đã khiến sức mua giảm hẳn.

"Đến tiền trả cho nhân viên còn không đủ, nói gì đến tiền mặt bằng" - anh Đ.T. nói.

Còn bà T.Q., chủ thương hiệu thời trang T., cho biết thật ra dịch COVID-19 chỉ là "giọt nước làm tràn ly", buộc các nhà kinh doanh phải đóng cửa, trả lại mặt bằng. Cũng theo bà T.Q., thói quen mua sắm online của người tiêu dùng cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều người trả lại mặt bằng.

Bên thuê thiệt đủ đường

Sau gần 2 tháng tạm ngừng hoạt động bởi dịch COVID-19, chị H.V., chủ một cơ sở mầm non ở Q.2, quyết định đóng cửa cơ sở này, trả lại mặt bằng cho chủ do không còn đủ tiền trả chi phí mặt bằng và giữ chân giáo viên.

Trong suốt thời gian tạm dừng hoạt động, cơ sở này không có nguồn thu nào nhưng chi phí mặt bằng và lương của giáo viên vẫn phải trả đầy đủ. Khi quyết định đóng cửa, chị H.V. lo lắng nhất là khoản tiền cọc lên đến hơn 600 triệu đồng, hi vọng được chủ nhà trả lại.

Một tiệm trà sữa của thương hiệu Đài Loan đã đóng cửa tại chi nhánh Phan Xích Long sau 1 năm khai trương - Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo hợp đồng, nếu bên nào phá vỡ hợp đồng trước khi hết hạn sẽ mất tiền cọc, trừ các trường hợp bất khả kháng như chiến tranh, động đất, hỏa hoạn... Tuy nhiên, trong hợp đồng không ghi rõ về dịch bệnh bởi trước nay chưa có tiền lệ nên khi soạn hợp đồng chị H.V. không đưa vào, nên chủ nhà cứ lần lữa mãi chưa chịu trả lại tiền cọc.

"Tôi đã liên hệ điện thoại, gửi công văn cho chủ nhà nhiều lần nhưng họ không trả lời, không tiếp xúc nên không biết sẽ giải quyết như thế nào" - chị H.V. cho biết.

Đây cũng là tình cảnh chung của phần lớn những chủ kinh doanh đi thuê mặt bằng hay thuê nhà, bởi giá cho thuê những năm gần đây liên tục leo thang theo giá nhà đất.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ cửa hàng thực phẩm ở Q.7, cho biết nhiều chủ nhà còn yêu cầu bên thuê phải đóng toàn bộ chi phí phát sinh như thuế thu nhập cá nhân và tính giá thuê theo đôla, chưa kể hợp đồng có nhiều điểm bất lợi cho người thuê, nhưng vì cần có mặt bằng nên phải chấp nhận.

"Do kinh doanh không được vì dịch COVID-19, tôi phải ngưng một mặt bằng ở Q.Bình Thạnh và thông báo với chủ nhà về tình hình bất khả kháng để nhờ hỗ trợ nhưng chủ nhà từ chối. Do kinh doanh khó khăn, ế ẩm quá nên tôi đành phải đóng của, chịu mất cọc, chứ nếu ở thêm tháng nào thì lỗ thêm tháng đó" - ông Minh nói, đồng thời cho biết sẽ ngừng mở điểm kinh doanh mới, để dành nguồn lực đầu tư cho hoạt động kinh doanh online.

Vincom dành 300 tỉ đồng hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng

Vincom công bố gói hỗ trợ 300 tỉ đồng cho đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: K.C

Ngày 5-3, thông tin từ Công ty CP Vincom Retail cho biết sẽ dành 300 tỉ đồng hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại (TTTM) trên toàn hệ thống. Chương trình hỗ trợ được áp dụng cho đối tác ở tất cả các ngành hàng đang kinh doanh tại 79 TTTM Vincom trên toàn quốc, có hợp đồng thuê giá cố định đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo đó, gói hỗ trợ sẽ được dành cho việc giảm giá tiền thuê mặt bằng cho đối tác, một phần dành cho việc phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mãi cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom.

Tỉ lệ hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng được xem xét, đánh giá theo mức độ bị ảnh hưởng của các vùng và ngành kinh doanh của doanh nghiệp để quyết định.

Theo đánh giá của Vincom, thị trường tại các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long và các tỉnh gần biên giới có mức độ ảnh hưởng lớn nhất, tiếp theo là Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác.

Ngoài ra, nhà quản lý mặt bằng bán lẻ cũng sẽ phối hợp với các khách thuê tổ chức những chương trình kích cầu mua sắm lớn, gia tăng trải nghiệm khách mua sắm như miễn phí gửi xe cho các khách hàng tới xem phim hoặc tới ăn trong các gian hàng ẩm thực vào giờ trưa, tối và ưu đãi đồng giá đưa đón cho khách di chuyển bằng các hãng xe công nghệ...

Theo bà Trần Mai Hoa - tổng giám đốc Công ty CP Vincom Retail, gói hỗ trợ 300 tỉ này không chỉ giúp các đối tác giảm bớt gánh nặng về chi phí mà còn có thể tập trung nguồn lực, cùng TTTM xây dựng những chương trình ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng, góp phần đưa nhịp sống năng động trở lại với người tiêu dùng VN.

HẢI KIM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP