Giáo dục

Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Nhiều giáo viên hợp đồng trước nguy cơ bị cắt lương

Hàng chục năm trước, 24 giáo viên, nhân viên được UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ký hợp đồng làm việc. Từ đó tới nay, họ chỉ được hưởng một mức lương cố định. Và tình hình trở nên khó khăn hơn, khi vào tháng 1/2024 những giáo viên, nhân viên này còn bị từ chối chi trả lương.

Huyện Quỳnh Lưu hiện có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên vượt số lượng hợp đồng UBND tỉnh Nghệ An giao năm 2024. ẢNH: Đ B.

Hàng chục năm dạy hợp đồng

Sau khi nhận được thông tin từ kế toán trường về việc bản thân mình sẽ bị từ chối chi trả lương tháng 1/2024, ông Hồ Anh Dũng (45 tuổi) hiện là giáo viên (GV) môn Giáo dục công dân, chủ nhiệm lớp 8B, Trường THCS Quỳnh Tân đã làm đơn gửi lãnh đạo nhà trường về việc có ý kiến với chính quyền huyện, đồng thời xin phép không thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, chủ nhiệm và nghỉ làm việc tại trường.

Theo ông Dũng, tính đến nay đã có 18 năm đi dạy, trong đó có 16 năm được tuyển dụng bằng hình thức hợp đồng có đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Vào năm 2006, ông Dũng tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ về dạy tại trường THCS Quỳnh Tân.

“Đến năm 2008 tôi được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng có đóng BHXH và hưởng mức lương khoảng 1 triệu đồng/tháng, sau đó nâng dần lên hơn 3 triệu đồng/tháng. Sang năm 2023, mức lương của những GV như tôi được điều chỉnh theo vùng, nâng lên 4,9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương này chỉ kéo dài đúng 1 năm. Vào tháng 1/2024, những GV hợp đồng như tôi bị cắt lương” - ông Dũng cho biết.

Đó cũng là tâm trạng của cô giáo Nguyễn Thị Linh (41 tuổi), hiện là GV dạy Ngữ văn tại Trường THCS Bá Ngọc. Cô Linh kể, khoảng 1 tuần trước, khi đến kỳ lĩnh lương, cô nhận được tin từ kế toán nhà trường rằng: Những GV hợp đồng như cô sẽ không được duyệt chi lương của tháng 1/2024.

“Năm 2006, tôi tốt nghiệp đại học, rồi xin về quê làm GV hợp đồng, mang theo hy vọng một ngày được vào biên chế. Nhưng sau 18 năm đứng lớp, tôi vẫn chỉ là GV hợp đồng, đến tháng 1/2024 thì bị cắt lương” - cô Linh nói.

Theo tìm hiểu của PV Báo Đại Đoàn Kết, ở huyện Quỳnh Lưu hiện có 9 GV hợp đồng cấp THCS. Họ đều đã tốt nghiệp đại học sư phạm và được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng về giảng dạy có đóng BHXH. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất là 18 năm, ít cũng 12 năm. Trước đó, những GV này chỉ được hưởng với mức lương có hệ số 1,78 (85% của hệ cao đẳng); không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được tăng lương theo chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước. Kể từ ngày 1/1/2023, họ được nhận mức lương 4,9 triệu đồng/tháng (do hưởng lương theo vùng), giờ thì bị cắt lương. Nhiều năm nay, cứ mỗi lần có đợt tuyển dụng GV mới, những GV này lại làm đơn mong được xem xét. Mới đây nhất, tháng 10/2023, khi biết tin UBND tỉnh Nghệ An quyết định bổ sung biên chế, trong đó có 13 chỉ tiêu biên chế cho cấp THCS huyện Quỳnh Lưu, họ lại gửi đơn “tha thiết đề nghị xem xét” tuyển dụng vào biên chế nhưng vẫn không được chấp nhận.

Sẽ nghỉ việc nếu không có lương

Không chỉ có 9 GV nói trên, 15 nhân viên hợp đồng tại các trường học ở huyện Quỳnh Lưu cũng lâm vào cảnh tương tự. Họ là những kế toán, nhân viên thiết bị thư viện. Những người này đều được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng nhận vào làm việc từ 10 năm trở lên. Hơn 1 năm trước, thu nhập của họ được nâng lên 3,6 triệu đồng/tháng, sau khi được huyện điều chỉnh, nâng lương theo mức lương tối thiểu vùng. Đây là lần đầu tiên 15 người này được nâng lương kể từ khi ký hợp đồng với huyện. Còn trước đây, dù bằng cấp thế nào, dù thâm niên ra sao, họ đều phải hưởng mức lương theo hệ số 1,4, tức là mỗi tháng chỉ được vỏn vẹn hơn 2,1 triệu đồng. Trừ đi các khoản như bảo hiểm, có người chỉ nhận về chừng 1,5 triệu đồng/tháng.

Để theo đuổi giấc mơ vào biên chế, họ phải làm thêm đủ việc. Người thì tận dụng buổi trưa hoặc mỗi lúc đi làm về để buôn cá, người thì tranh thủ ngày cuối tuần đi buôn giày dép, người bán hàng qua mạng… Chị Hồ Thị Vân (44 tuổi), kế toán Trường Tiểu học và THCS Ngọc Sơn cho biết: “Nếu tới đây, UBND huyện Quỳnh Lưu không thanh toán chế độ tiền lương thì tôi cũng từ chối tiếp tục làm việc”.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết sáng 29/1, ông Nguyễn Văn Thưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trên địa bàn huyện có 24 nhân viên và GV hợp đồng tại các trường không theo kế hoạch, lương tháng 1/2024 sẽ không được duyệt chi. Nguyên nhân do bị vượt số lượng hợp đồng mà UBND tỉnh Nghệ An đã giao năm 2024. Ông Thưởng nói: “Sau khi các GV, nhân viên có kiến nghị, cùng với sự chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, sáng 29/1, tôi đã ký văn bản gửi Kho bạc Nhà nước huyện Quỳnh Lưu đề nghị duyệt chi tiền lương tháng 1/2024 cho các đối tượng trên. Còn các tháng tiếp theo thì tôi cũng chưa thể trả lời được”.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP