Trong tỉnh

Hội nghị giới thiệu Báo cáo Phương pháp luận Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã

Sáng 23/5, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Nghệ An tổ chức Hội nghị giới thiệu Báo cáo Phương pháp luận Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh của Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, VCCI chi nhánh tại Nghệ An và các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh cùng các chuyên gia đến từ Economica Vietnam.

Đại biểu tham dự hội nghị

Tháng 4 vừa qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022. Trong đó, PCI của tỉnh Nghệ An đạt 66,60 điểm, xếp hạng thứ 23/63 tỉnh, thành phố cả nước, xếp hạng thứ 3/6 các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. So với năm 2021, PCI của tỉnh tăng 1,86 điểm, tăng 07 bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước.

Ông Hoàng Vĩnh Trường – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch khai mạc hội nghị

Tuy đã có sự nâng hạng và một số chỉ số thành phần có sự tăng về điểm và thứ hạng, tuy nhiên vẫn còn 4/10 chỉ số bị tụt hạng, thậm chí tụt sâu như chỉ số gia nhập thị trường (từ vị trí thứ 29 xuống vị trí thứ 46) và chỉ số đào tạo lao động (từ vị trí thứ 31 xuống vị trí 48).

Quang cảnh hội nghị

Có thể nhận thấy rằng, dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, sự thân thiện của môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Nghệ An dù đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua nhưng chưa thực sự rõ nét, mạnh mẽ.

Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Nghệ An nhằm mục đích đánh giá năng lực điều hành của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện, từ đó tạo động lực cải cách liên tục hướng đến tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tiến sĩ Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, đơn vị tư vấn đầu ngành có bài trình bày về DDCI và Báo cáo Phương pháp luận Bộ chỉ số DDCI

Với quyết tâm chính trị cao và mong muốn tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ, nội dung theo Kế hoạch số 665/KH-UBND ngày 29/9/2022 về việc Xây dựng bộ chỉ số và khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022. Đồng thời xem việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

Đại diện VCCI chi nhánh Nghệ An cho biết luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với chính quyền các cấp, với các Sở, ban, ngành trong các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân để cùng thực hiện mục tiêu tạo động lực nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương

DDCI Nghệ An năm 2022 sẽ tập hợp các đánh giá về cảm nhận của các cơ sở sản xuất kinh doanh, cụ thể là các doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh (DN/HTX/HKD) về công tác điều hành kinh tế của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và lãnh đạo các cơ quan đó một cách hệ thống. Thông qua kết quả trên, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện sẽ có những đánh giá, điều chỉnh thích hợp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Mục tiêu cuối cùng chính là mang lại lợi ích cho các DN/HTX/HKD và nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và động lực phát triển kinh tế tại Nghệ An.

Điểm đổi mới và toàn diện hơn so với cách đánh giá DDCI cũ là cách tiếp cận toàn diện tới các vấn đề chuyển đổi số, phát triển bao trùm, phát triển bền vững. Từ đó đưa ra những giải pháp toàn diện với mục đích “không ai bị bỏ lại phía sau” nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và ứng dụng công nghệ 4.0 hướng tới chuyển đổi số trong tương lai.

Lãnh đạo các Sở, ngành tham dự hội nghị

Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Economica Vietnam, đơn vị tư vấn chuyên sâu về DCCI đã trao đổi cụ thể về ý nghĩa, cách làm, các bước thực hiện: Quy trình khảo sát và xếp hạng; phương pháp chọn mẫu DDCI Sở, ban, ngành; phương pháp xếp hạng; phiếu đánh giá... để giúp các đại biểu hiểu và phối hợp triển khai thực hiện đánh giá Bộ chỉ số DDCI năm 2022.

Qua Hội nghị giới thiệu báo cáo phương pháp luận này, Ban tổ chức mong muốn các cơ quan Sở, ban, ngành, địa phương, nắm vững mục tiêu, các nội dung về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương DDCI, từ đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; cùng giúp sức cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Về phía các doanh nghiệp, Ban Tổ chức mong muốn luôn nhận được sự hợp tác, thông qua hoạt động khảo sát, đánh giá giúp lãnh đạo tỉnh nói riêng và cơ quan chính quyền tỉnh nói chung nhìn ra những mặt tích cực, những điểm làm chưa tốt để nâng cao chất lượng hoạt động của nền hành chính công tỉnh nhà.

Tại Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 12/5, UBND tỉnh đã ban hành DDCI của khối Sở, ban ngành cấp tỉnh gồm 8 chỉ số thành phần, gồm:

1. Gia nhập thị trường, cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính.

2. Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin.

3. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật.

4. Chi phí không chính thức.

5. Cạnh tranh bình đẳng.

6. Tính năng động và tiên phong của sở, ban ngành cấp tỉnh.

7. Hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

8. Hiệu lực thiết chế.

DDCI của UBND các huyện, thành phố, thị xã gồm 9 chỉ số thành phần:

1. Gia nhập thị trường, cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính.

2. Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin.

3. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật.

4. Chi phí không chính thức.

5. Cạnh tranh bình đẳng.

6. Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương.

7. Hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

8. Hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự.

9. Tiếp cận đất đai.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP