Trong tỉnh

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An lên tiếng vụ chuyện lạ đền Khai Long thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?

Để làm rõ băn khoăn: Đền Khai Long ở thôn Đông Bích, xã Trung Sơn (huyện Đô Lương) thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan, phóng viên đã liên hệ với Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh.

Bà Trần Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An. Ảnh: Internet

Mở đầu câu chuyện, nữ Giám đốc Ngành Văn hoá - Thể thao Nghệ An khẳng định đền Khai Long ở xã Trung Sơn thờ cả hai ông: Ngô Xương Xí và Nguyễn Cảnh Hoan (tại huyện Đô Lương có một đền Khai Long khác ở xã Tân Sơn thờ thần Khai Long sứ quân Ngô Xương Xí).

Tuy nhiên để trả lời những băn khoăn mà Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Đoàn Văn Linh không chắc chắn thì Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cũng chưa khẳng định được.

Đó là đền Khai Long ở xã Trung Sơn thờ Ngô Xương Xí và Nguyễn Cảnh Hoan nhưng là đồng vị hay ông nào là chính, ông nào là phối thờ?

Đền Khai Long xuống cấp trước khi chưa phục dựng. Ảnh: Nguyễn Trần Đăng

Cụ thể trong bài viết: “Chuyện lạ kỳ: Đền Khai Long ở Nghệ An thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?” mà Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển đã phản ánh: Khai Long - ngôi đền có tuổi đời hàng trăm năm ở thôn Đông Bích, xã Trung Sơn được người dân tôn kính gọi là ngôi đền “thiêng”. Đền xuống cấp nghiêm trọng nên ngày 3/1/2022, từ nguồn xã hội hoá, chính quyền xã Trung Sơn đã long trọng tổ chức lễ khởi công phục dựng ngôi Thượng Điện đền Khai Long.

Tuy nhiên sau sự kiện lễ khởi công phục dựng ngôi Thượng Điện đền Khai Long thì có một băn khoăn nảy sinh: Đó là đền Khai Long ở xã Trung Sơn thờ Ngô Xương Xí hay Nguyễn Cảnh Hoan?

Theo trang web Họ Ngô Việt Nam và web vi.wikipedia.org thì đền Khai Long thờ Sứ quân Ngô Xương Xí. Trái với thông tin này thì một thông tin khác từ người dân nghiêng về việc đền Khai Long thờ Nguyễn Cảnh Hoan.

Bởi lẽ, cách nay nhiều năm do đền Khai Long xuống cấp nên rất nhiều Sắc Phong của đền Khai Long ở xã Trung Sơn đã được đem đi gửi ở đền Linh Kiếm ở làng Thuận Lý (xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương).

Nội dung một số Sắc Phong ghi: Sắc ban cho vị thần nguyên là Binh bộ Thượng thư Thái Phó Tấn phủ quân, tên thuỵ là Khiêm Cẩn (Tức là ông Nguyễn Cảnh Hoan, là tướng nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam) đã có công hộ quốc giúp dân, rất linh ứng. Nghĩa là theo người dân thì chiếu theo nội dung Sắc Phong này thì đền Khai Long ở xã Trung Sơn thờ Nguyễn Cảnh Hoan?

Hình ảnh đền Khai Long đang được phục dựng

Trước những băn khoăn trái chiều trên, khi làm việc với phóng viên, ông Đoàn Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cũng cho rằng đền Khai Long thờ cả hai ông. Còn việc ông nào là chính, ông nào là phối thờ thì đến khi xong việc phục dựng sẽ đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An vào cuộc để làm rõ.

Đường vào đền Khai Long ở xã Trung Sơn, huyện Đô Lương

Về thông tin này, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An cho biết đại ý rằng việc xác định ông nào là chính, ông nào là phối thờ hay đồng vị địa phương sẽ biết cách để làm vì hiện tại còn có các sắc phong và rất nhiều tài liệu gốc.

Cụ thể, theo bà Hạnh việc thờ tự ở đền Khai Long là do địa phương nhưng sau khi phục dựng xong họ sẽ làm văn bản xin ý kiến Sở trong việc bài trí. Sau đó, Sở sẽ thành lập Đoàn chuyên môn. Đặc biệt sẽ giao Ban quản lý di tích danh thắng cử cán bộ chuyên môn về nghiên cứu và kết luận.

“Có cơ sở là thờ cả 2 nhân vật nhưng kết luận cuối cùng thì sau khi phục dựng xong sẽ cho cán bộ về nghiên cứu cụ thể dựa vào các tài liệu địa phương”, bà Hạnh chia sẻ.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cũng thông tin thêm: Hiện tại việc phục dựng có họ Ngô và một số họ khác công đức. Càng nhiều người công đức thì càng tốt. Việc thờ là việc khoa học chứ không phải vì công đức mà thờ. Còn việc xác định ai chính cung, tả cung hay hữu cung thì có khoa học chứng minh.

Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin./.

Tác giả: Trọng Đức

Nguồn tin: phuongnam.vanhoavaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP