PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, ĐBQH Lại Xuân Môn, Chủ tịch TƯ hội Nông dân Việt Nam để có những ý kiến cụ thể về vấn đề này.
PV: Bộ NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị để “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn khi giá thịt đang rớt thê thảm. Đáng buồn, không chỉ riêng thịt lợn ùn ứ khi từ đầu năm đến nay chúng ta từng chứng kiến chuối Đồng Nai, dưa hấu Quảng Ngãi cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến “điệp khúc” này liên tục tái diễn?
ĐBQH Lại Xuân Môn: Điệp khúc “được mùa mất giá”, chờ “giải cứu” của các sản phẩm nông nghiệp cho thấy ngành nông nghiệp của chúng ta có rất nhiều vấn đề. Cách đây ít lâu, tôi đã kiến nghị với ban Bí thư về vấn đề này. Và muốn giải quyết vấn đề này phải xuất phát từ gốc của nó. Đầu tiên là chính sách đầu tư cho nông nghiệp. Vấn đề thứ hai là quy hoạch đất đai cho nông nghiệp. Thứ ba là chính sách với người nông dân.
PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn những bất cập, hướng gỡ cho 3 nguyên nhân gốc rễ để nông nghiệp Việt Nam phát triển trong kiến nghị này?
ĐBQH Lại Xuân Môn: Đầu tiên là đất đai phải quy hoạch. Quy hoạch các vùng sản xuất, nơi nào trồng cây gì, nuôi con gì là lợi thế tốt nhất. Kèm với đó là quy hoạch hạ tầng phải đầy đủ. Tôi lấy ví dụ như điện, nước, đường, kho bảo quản, nhà máy chế biến… Tất cả phải được quy hoạch đồng bộ. Ở nước ngoài, họ quy hoạch đồng bộ như vậy.
Vấn đề tiếp theo là phải đầu tư cho nông nghiệp. Tôi được biết ở các nước khác, nông nghiệp đóng góp cho GDP nhỏ nhưng họ đầu tư cho nông nghiệp lớn.
Chúng ta phải đầu tư xây dựng được các chợ đầu mối để đấu giá nông sản. Việc đấu giá phải công khai, minh bạch, như thế mới giúp giá từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng chênh lệch không lớn. Có như thế, nó mới kích thích được người sản xuất, người tiêu thụ.
Cụ thể như giá dưa hấu, người nông dân bán 1.500 đồng/kg ra đến thị trường giá đến 3.000 - 4.000 đồng/kg là cùng. Lúc đó, cần gì phải “giải cứu”. Còn như thực tế thời gian vừa qua, nông dân bán được có 1.500 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng đến cả chục nghìn đồng/kg là chênh lệch quá lớn. Giá thịt lợn hiện nay cũng tương tự như vậy. Người sản xuất bán giá thấp kỷ lục. Nông dân rơi vào cảnh điêu đứng, thua lỗ nhưng người mua vẫn phải trả giá cao. Đó là nghịch lý.
Thứ ba, chúng ta phải đầu tư về giống. Nhà nước phải đặt hàng với các doanh nghiệp giúp người nông dân các bộ giống năng suất, chất lượng, hiệu quả đủ sức cạnh tranh ngoài thị trường. Còn hiện nay, chúng ta đang “thả” nguồn giống.
Thứ tư là đầu vào, vốn cho nông nghiệp, các nước họ cho vay trong lĩnh vực này với lãi suất rất thấp. Tôi được biết, ở Nhật họ cho vay 1,3%/năm, Hàn Quốc gần 2%/năm. Việt Nam là gần 10%/năm, lãi suất quá cao như vậy, người nông dân sao chịu nổi. Các nước quản lý giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón rất hợp lý. Như vậy, người nông dân làm mới có lãi được.
Cuối cùng là chăm lo cho nông dân bằng các loại bảo hiểm. Bảo hiểm cây trồng, vật nuôi (bảo hiểm nông nghiệp, sản xuất) cho người nông dân. Tiếp đó là chăm lo bảo hiểm xã hội cho nông dân, có vậy họ mới gắn bó, thiết tha, yên tâm với nông nghiệp, nông thôn. Đó là 3 cụm vấn đề căn cơ mà tôi đã kiến nghị phải tháo gỡ để không còn cảnh “được mùa mất giá”.
PV: Như ông nói, ngành nông nghiệp chúng ta đang có nhiều bất cập. Và thực tế, đến kỳ họp QH nào, các ĐBQH cũng chất vấn về câu chuyện “được mùa mất giá” của người nông dân khiến nó trở nên quá quen. Nhưng bao năm qua, “điệp khúc” xin giải cứu lúc thì dưa hấu, lúc thì chuối, giờ đến thịt lợn vẫn diễn ra?
ĐBQH: Đúng như vậy. Không giải quyết được 3 cụm vấn đề căn cơ trên, tôi cho rằng sẽ còn kiến nghị, còn khó khăn cho ngành nông nghiệp. Và người nông dân sẽ vẫn phải chịu cảnh “được mùa mất giá”. Chúng ta phải giải quyết được phần gốc của vấn đề chứ đừng chạy theo xử lý phần ngọn. Còn việc kêu gọi doanh nghiệp tạm thu mua “giải cứu” thịt lợn hay chung tay “giải cứu” dưa hấu chỉ là giải pháp tình thế.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Tác giả bài viết: Đỗ Thơm - Hương Lan
Nguồn tin: