Trong tỉnh

Gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Chiều 22/8, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ

Ngày 1/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị nêu rõ: Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền giáo dục với tư tưởng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa học đường tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tin, khát vọng, tự hào dân tộc đối với học sinh, sinh viên.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương, các địa phương. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.

Xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên

Cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung – Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung – Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã tham luận nội dung: Nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường của cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục Nghệ An trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.

Theo cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung, việc xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên. Trong thời gian tới, cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung đề nghị cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn thể nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện đổi mới “căn bản, toàn diện” giáo dục và đào tạo và xây dựng văn hóa học đường. Tích cực, chủ động tham mưu để cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều cơ chế chính sách về giáo dục, tạo điều kiện cho giáo dục phát triển. Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng các thiết chế văn hóa; thí điểm xây dựng mô hình trường học tiên tiến, trường trọng điểm chất lượng cao nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện năng lực bản thân.

Đổi mới công tác quản lý, quản trị giáo dục và đào tạo; tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các thiết chế văn hóa phù hợp với quy định của pháp luật và các giá trị truyền thống, phong tục của địa phương Nghệ An nhằm tạo thói quen thực hành văn hóa, giao tiếp, ứng xử, học tập và làm việc khoa học, văn minh, lịch sử.

Đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, tạo điều kiện để học sinh chuyển vốn tri thức được học thành vốn văn hóa, kỹ năng sống, giá trị sống. Ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động triển khai nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải cách hành chính và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phát huy dân chủ, đẩy mạnh công tác dân vận; tổ chức phong trào thi đua xây dựng “nếp sống văn hóa” trong nhà trường gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của các địa phương.

Cô giáo Đoàn Thị Thủy Chung cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng các nội dung đăng tải trên mạng Internet; cần có chế tài xử lý trình trạng bắt nạt trực tuyến nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho học sinh. Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn, định hướng việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường theo giai đoạn hoặc theo năm học để tạo sự đồng bộ, thống nhất. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục trong trường học…

Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp. Ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế…

Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hoá học đường, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. Nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học, thực tiễn và tăng cường tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt.

Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo rà soát sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo.

Phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thức tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học. Huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Hội Khuyến học trong xây dựng văn hóa học đường…

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP