Theo thông tin gia đình cung cấp: Trẻ sinh đủ tháng, sau sinh 10 ngày thì rụng rốn, sau đó rốn rỉ dịch liên tục.
Cách thời điểm nhập viện 2 ngày, rốn và da quanh rốn có tình trạng phù nề, nóng, đỏ (quầng đỏ quanh rốn có đường kính 10 cm), bong da, xuất tiết mủ hôi. Sau khi tiếp nhận, các Bác sĩ đã tiến hành nuôi cấy dịch mủ dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng. Trẻ được điều trị kháng sinh, vệ sinh rốn hằng ngày. Qua 10 ngày điều trị, chăm sóc tích cực, trẻ ổn định và được xuất viện.
|
Qua trường hợp này, các Bác sĩ khoa Nhi hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc rốn cho trẻ như sau:
Dây rốn được cắt ngay sau sinh, một cuống mô vẫn còn dính vào rốn của em bé gọi là cuống rốn. Khoảng sau một đến hai tuần sau khi sinh, cuống rốn khô dần, co lại cho đến khi rơi ra. Điều quan trọng là các phụ huynh phải giữ cho cuống rốn và vùng da xung quanh sạch sẽ và khô ráo.
- Vệ sinh rốn đúng cách: Trước khi vệ sinh rốn cho bé bạn cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn. Chuẩn bị 3 miếng bông sạch, 1 miếng lau từ chân rốn lên cuống rốn, 1 miếng lau xung quanh chân rốn và 1 miếng lau từ chân rốn đi ra xung quanh. Mỗi ngày bạn cần vệ sinh rốn cho bé 2 lần bằng nước muối sinh lý 0,9%.
- Cách mặc quần áo tã lót: Rốn của bé cần được để khô thoáng, không băng rốn hoặc quấn rốn. Bé cần được mặc quần áo sạch sẽ thoáng mát, để hở rốn, bỉm cần mặc dưới rốn để ngăn nước tiểu hoặc phân dính bẩn lên rốn.
- Khi rốn rụng: Sau khi rốn rụng, bạn vẫn cần tiếp tục vệ sinh phần chân rốn hàng ngày bằng nước muối sinh lý cho đến khi rốn khô hoàn toàn. Nếu rốn có tình trạng rỉ dịch kéo dài hoặc có chồi đỏ thì bạn cần đưa bé tới bác sĩ để được thăm khám đầy đủ.
- Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng rốn: Trẻ sốt, rốn chảy dịch hôi, chảy mủ, quầng rốn sưng đỏ, v.v.
Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa bé tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, đồng thời không nên tự ý bôi thuốc, đắp lá, rắc bột kháng sinh lên vùng rốn trẻ.
Tác giả: Kim Chung
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn