Sau gần 8 tháng khảo sát, Vihaijco cho biết đa số người dân nhất trí chủ trương cải tạo toàn khu (91%) và có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Với 9% còn lại, Vihaijco nêu phương án giãn dân, một là về Ecopark, hai là về khu nhà ở xã hội Cổ Bi mà doanh nghiệp đang được thành phố giao nhiệm vụ phát triển.
Để giải quyết nhu cầu tái định cư tại chỗ, doanh nghiệp cho rằng nếu có ngay được quỹ đất sạch tại chỗ sẽ giải quyết được 2 việc: một là có mặt bằng làm cuốn chiếu và hai là để người dân nhìn thấy chất lượng nhà tái định cư. Do đó, đại diện Vihaijco “xin điều chỉnh quy hoạch hồ Thành Công khoảng một ha” để lấy đất tái định cư cho người dân.
“Hồ Thành Công có diện tích 10ha, tôi xin điều chỉnh quy hoạch hồ khoảng một ha, sau đó chúng tôi sẽ trả lại diện tích mặt nước trong quy hoạch mới”, đại diện nhà đầu tư nói.
"Thực tế, diện tích mặt nước hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ, đồng thời lại khai thác cảnh quan hồ Thành Công cho khu vực được hiệu quả hơn rất nhiều do gắn kết công viên hồ với cộng đồng dân cư trong đô thị", vị này lý giải thêm với VnExpress.
Đơn vị này cũng đề xuất khối nhà ở tái định cư có chiều cao bình quân 24 tầng và tăng tối đa đến 35 tầng với khối nhà thương mại để "tạo điểm nhấn và giúp tăng lợi ích tài chính cho nhà đầu tư…".
Đánh giá đề xuất của nhà đầu tư là mạnh dạn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận: "Có những đề xuất mà ngay cả thành phố chưa thể quyết được, ví dụ lấy một ha hồ Thành Công làm nhà cho dân. Đề xuất này được cho dân, được cho doanh nghiệp nhưng liệu thành phố có dám xóa bỏ quy hoạch chỗ đó không? Chủ đầu tư nói sẽ đào thêm hồ chỗ khác, chắc gì đã làm được".
Ông Hùng cho rằng, đề xuất này cũng nảy ra cơ chế xác định vị trí tái định cư cho người dân xem trước. Nếu người dân đồng ý sẽ xây ngay nhà tái định cư, sau đó mới phá chung cư cũ và làm tiếp các hạng mục khác. Như vậy người dân có nhà về ở luôn, không phải đi nơi khác.
"Chủ đầu tư đề xuất lấy một ha hồ, nhưng chúng ta sẽ hạn chế không lấy chỗ đó mà sẽ tìm một chỗ để xây nhà tái định cư trước", ông Hùng gợi ý.
Thông tin tại hội thảo, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết trên địa bàn thành phố có gần 1.300 chung cư cũ có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng.
Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập. Tuy nhiên, nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 khu đang phá dỡ, 4 khu nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.
Tác giả bài viết: Võ Hải - Nguyễn Hà
Nguồn tin: