Xã hội

Dễ 'sập bẫy' xuất khẩu lao động trên mạng

Để tìm kiếm thông tin xuất khẩu lao động, nhiều người lao động thường có thói quen truy cập Internet. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xuất hiện đầy rẫy các trang web không chính thống, đăng quảng cáo với những điều kiện hấp dẫn, có dấu hiệu lừa đảo.

Dễ bị "sập bẫy"

Có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài, chị Nguyễn Thị Minh (phường Đội Cung, TP. Vinh) thường truy cập vào các trang website, mạng xã hội để tìm kiếm thông tin. Thời gian gần đây, chị thấy nhiều địa chỉ website đăng tải các thông tin tư vấn đi lao động Singapore với thủ tục nhanh gọn, chi phí thấp, hỗ trợ visa. Không có tay nghề, chỉ thuần lao động phổ thông nên chị Minh rất chú ý đến các thông tin tuyển dụng nhân viên bán hàng, vệ sinh lưu động, phục vụ nhà hàng, giúp việc...

Những công việc này được quảng cáo là có mức lương tương đương 25 - 30 triệu VNĐ/ tháng, thông thường được chủ nuôi ăn ở, chỉ cần biết tiếng Trung hoặc tiếng Anh giao tiếp cơ bản. Thậm chí, có trang còn khẳng định không giới hạn chiều cao, cân nặng, mắc bệnh viêm gan B vẫn có thể ứng tuyển!

Thấy tuyển dụng hấp dẫn nhưng chị Minh vẫn còn băn khoăn không biết thông tin có chính xác hay không, làm sao để phân biệt được thông tin trên mạng là đúng hay sai?

Giao diện một trang web không chính thống bị Cục Quản lý lao động ngoài nước "điểm danh". Ảnh: Phước Anh

Tương tự như chị Minh, nhiều lao động tỏ ra dao động trước những thông tin tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý đi làm tại Nhật Bản. Lướt qua một số trang web, điều dễ nhận thấy là thông tin được đăng tải rất bài bản, từ giới thiệu môi trường sống tốt đẹp ở Nhật Bản cho đến quảng cáo công việc lương cao, yêu cầu thấp, đi theo hình thức visa du lịch đơn giản, thuận tiện.

Những thông tin này dễ dàng khiến người lao động bị thu hút, không ít người đã nhanh chóng nhắn lại số điện thoại, địa chỉ liên lạc ở phần tương tác để được liên hệ tư vấn làm thủ tục.

Khi ngành chức năng cảnh báo

Trước thực trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra cảnh báo về các trang web không chính thống có biểu hiện lừa đảo xuất khẩu lao động qua mạng. Đặc biệt, với thị trường Singapore, Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu đích danh một số địa chỉ website như: http://congtyxklduytin.com;http://xuatkhaulaodongnhat.vn;http://www.agent.com.vn; http://zenco.com.vn; http://congtyxuatkhaulaodongsingapore.com...

Hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp. Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh, pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa.

Mặt khác, trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore là một trong những thị trường khá “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài.

Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Hiện nay, lao động Việt Nam chỉ có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass (Giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung) hoặc E Pass (Giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài trong các công việc quản lý, điều hành hoặc nghề đặc thù).

Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit (Giấy phép làm việc cho lao động phổ thông).

Lớp học tiếng Nhật chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý. Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước

Với mã ngành tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản, đến thời điểm này, chỉ có duy nhất kênh tuyển chọn theo chương trình VJEPA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản) là hợp pháp. Hiện nay, có một số đơn vị đăng tuyển quảng cáo trên các trang web với tiêu chuẩn thấp hơn và đi theo hình thức visa du lịch hoặc du học không được cơ quan quản lý Nhật Bản cấp giấy phép lao động.

Do không đi theo con đường chính thức nên người lao động dễ gặp rủi ro khi cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra giấy tờ. Đặc biệt, Cục Lao động ngoài nước nhấn mạnh, phía Nhật Bản kiểm soát lao động theo mã ngành điều dưỡng, hộ lý rất chặt. Nếu phát hiện sai phạm, các cá nhân tham gia loại hình này sẽ không được phép sang Nhật Bản làm việc.

Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An khuyến cáo: Người lao động cần tìm đến những thông tin chính thống như báo, đài địa phương, Cổng thông tin điện tử của Sở LĐ-TB&XH; không nghe, không tin những thông tin trên mạng, thông tin kiểu truyền miệng...

Hiện tại, có gần 50 đơn vị doanh nghiệp về Nghệ An tuyển dụng xuất khẩu lao động đi các thị trường.

Sở LĐ-TB&XH làm rất chặt quy trình giới thiệu doanh nghiệp về địa phương tuyển dụng, phải là những doanh nghiệp có đầy đủ giấy phép hợp lệ, có uy tín, chất lượng. Các thông tin trên mạng hiện rất “nhiễu”, người lao động cần thật tỉnh táo, đối chứng nhiều nguồn tin từ cơ quan chức năng.

Tác giả: Phước Anh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP