Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNESCO đã công bố cho thấy, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Thực tế, học thêm không xấu nếu học sinh muốn cải thiện những kỹ năng còn thiếu hụt, phát triển những năng lực cần thiết của bản thân, thế nhưng nếu lạm dụng việc học thêm một cách vô bổ, tràn lan lại là điều đáng bàn. Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Hiện nay việc học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan, sôi động từ nông thôn đến thành thị. Nhiều học sinh học chính lẫn học thêm kín từ sáng đến đêm, vừa kết thúc lớp học này lại vội vàng vào ca học tiếp theo, thậm chí vừa ăn vừa chạy để kịp giờ học thêm cũng không phải hình ảnh hiếm gặp.
Nhiều phụ huynh hy vọng rằng khi chương trình GDPT 2018 được đưa vào giảng dạy, chú trọng đến phát triển năng lực của học sinh thì tình trạng dạy thêm học thêm sẽ bớt áp lực hơn nhưng đến nay vẫn chưa thấy những thay đổi rõ rệt.
Ảnh minh họa. |
Anh Trần Quang Khánh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, con trai anh đang học lớp 6, đầu năm học tổng số tiền đóng góp bao gồm cả tiền học phí mới chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng, nhưng số tiền học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở trường mỗi tháng cũng đã hết hơn 3 triệu đồng. Như vậy hàng năm gia đình anh Khánh phải bỏ ra số tiền vài chục triệu đồng cho con học thêm những môn văn hóa đã học trên trường, khoản tiền này chưa bao gồm việc học thêm các kỹ năng mềm khác theo mong muốn.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Hải Dương) có 2 con đang học bậc tiểu học và THCS cũng cho biết, hàng tháng gia đình chị phải tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng tiền học thêm cho các con, bao gồm học thêm các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Với con trai đang học lớp 9, cần tập trung ôn thi vào 10 nên lịch học thêm càng dày đặc hơn nữa, chi phí học tập vì thế cũng tăng cao. Với nhiều gia đình có mức thu nhập cao thì số tiền này có thể không quá lớn, nhưng với những gia đình ở khu vực nông thôn như chị Thanh, tiền học thêm hàng tháng của 2 con gần bằng 1 tháng lương làm công nhân của chị.
Chia sẻ về lý do cho con đi học thêm, chị Thanh cho biết, hầu hết tất cả các bạn trong lớp đều học thêm, nếu con không học cũng sẽ khó theo kịp, cô giáo cũng sẽ có thời gian giảng kỹ hơn các bài giảng, vấn đề học sinh đã học trên lớp. Bên cạnh đó, cho con đi học thêm cô giáo đang dạy trên lớp, chị Thanh cũng hy vọng con sẽ được cô quan tâm, chỉ bảo nhiều hơn.
Học sinh phải học thêm lại những kiến thức trên lớp là lỗi của nhà trường?
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc, chương trình GDPT đã được thiết kế đảm bảo nội dung, phân phối chương trình, thời gian học đảm bảo học sinh học xong sẽ đạt được yêu cầu cần thiết.
“Việc học thêm, dạy thêm xảy ra trong 2 trường hợp khi phụ huynh mong muốn con em mình có học lực giỏi hơn yêu cầu đầu ra của chương trình, hoặc do các nhà trường giảng dạy chưa theo đúng chương trình, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu khiến học sinh buộc phải học thêm mới đạt chuẩn về mặt kiến thức, kỹ năng.
Nếu học sinh học trong chương trình chính khóa rồi vẫn không đạt thì cần tìm nguyên nhân để khắc phục. Thực chất không cần dạy thêm một cách đại trà, ồ ạt như hiện nay mà chỉ cần dạy kèm thêm, phụ đạo cho những học sinh có năng lực thấp hơn. Tôi khuyến khích việc dạy thêm, phụ đạo cho những học sinh yếu kém để các em bắt kịp với các bạn trong lớp, điều này đã có tiền lệ từ lâu, nhưng hiện nay dạy thêm mang tính đại trà, nơi nào cũng dạy thêm học thêm, phải chăng chương trình chính khóa không đảm bảo yêu cầu, nên các em mới phải học thêm?”, GS Đinh Quang Báo đặt câu hỏi.
Cũng theo GS.TS Đinh Quang Báo, trường hợp học sinh muốn học thêm để nâng cao năng lực, có thể khuyến khích tinh thần tham học hỏi ở các em, song phụ huynh cũng không nên để con học thêm quá nhiều gây quá tải. Tránh tình trạng thời gian học thêm chiếm hết thời gian vui chơi, hoạt động khác, điều này không những không giúp các em giỏi hơn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội. |
“Nhiều phụ huynh hiện nay có tâm lý không cho con đi học thêm thì không cảm thấy yên tâm, tâm lý này khá phổ biến. Với những người có điều kiện kinh tế, việc cho con đi học thêm không phải quá đáng ngại về mặt chi phí, thế nhưng với những gia đình không có đủ điều kiện, việc học thêm sẽ tạo ra một áp lực kinh tế khá lớn cho phụ huynh. Phụ huynh cũng cần hiểu rằng, không phải học sinh nào đi học thêm cũng hiệu quả. Nhiều gia đình cứ gửi con cho thầy dạy thêm mà không biết khi đến lớp học thêm con có thực sự học hay không, việc học ấy có hiệu quả hay không. Hay việc nhiều học sinh học thêm theo kiểu chạy “sô”, ăn chưa hết bát cơm đã vội đi học, liệu các em có đủ trí nhớ, sức khỏe và tâm lý để học tiếp hay không”, GS Đinh Quang Báo chia sẻ.
Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời (Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) cho rằng, nếu học sinh học thêm những kỹ năng, kiến thức khác nội dung đã được học trên lớp như học bơi, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… là điều tốt. Nhưng nếu học sinh phải đi học thêm để học lại những gì đã được dạy trên lớp, thì đây là “lỗi của nhà trường”.
GS.TSKH Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và Học tập suốt đời (Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực). |
“Bộ GD-ĐT vẫn nói đến phát triển năng lực cho học sinh, đả phá việc học theo trí nhớ. Nếu học theo phát triển năng lực là khi một lớp có 30 học sinh giỏi, thì phải làm sao để những em học sinh giỏi không phải chờ đợi những học sinh trung bình và học sinh trung bình không kéo lui thời gian học của các em giỏi. Ở cùng mỗi bài tập sẽ có những câu hỏi phù hợp với năng lực của từng học sinh, để mỗi học sinh không ảnh hưởng đến nhau, các em có thể tiếp thu bài tốt nhất. Sở dĩ phụ huynh muốn cho con đi học thêm vì muốn con phát triển năng lực tốt hơn, theo kịp các bạn, vậy câu hỏi đặt ra là tại sao phụ huynh phải cho con đi học thêm để phát triển, tại sao nhà trường không thể giúp các em phát triển tốt hơn?” GS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi?
GS.TSKH Phạm Tất Dong cũng cho rằng hiện nay mức học phí theo quy định của nhà nước không cao, thậm chí một số địa phương còn có chính sách miễn học phí, song phụ huynh lại mệt mỏi với nhiều khoản phí khác, trong đó có tiền học thêm.
“Tại các trường, mỗi huyện, mỗi tỉnh, thành phố hàng năm đều có các kỳ thi giáo viên giỏi, nhưng học sinh lại phải đổ xô đi học thêm giáo viên giỏi ở chỗ này chỗ kia, phải chăng các kỳ thi giáo viên giỏi này vẫn chưa thực chất? Nếu học sinh đã đi học, bằng cách nào giáo viên cũng phải giúp các em nắm được chương trình, nếu học sinh quá yếu kém, ngồi nhầm lớp có thể chuyển sang lớp khác để bồi dưỡng, tránh tình trạng học sinh phải đóng học phí 2 lần để học lại chính những gì đã học ở chương trình chính khóa”, thầy Phạm Tất Dong nhấn mạnh./.
Tác giả: Lê Trang
Nguồn tin: vov.vn