Bị loại rủ nhau cùng… “ăn vạ”?
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Mochamad Iriawan cho biết sẽ xem lại trận Việt Nam và Thái Lan, sau đó xem xét có gửi đơn kiến nghị lên AFF hay không.
HLV Shin Tae Yong nói: “Việt Nam và Thái Lan đáng lẽ phải chơi fair-play. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Tôi không vui, và cảm thấy bị xúc phạm với kết quả đó”.
U19 Indonesia có 11 điểm như Việt Nam và Thái Lan. Họ có hiệu số bàn thắng bại +15, Việt Nam +9 và Thái Lan +6. Nhưng thành tích đối đầu của ba đội có kết quả hoà, trong đó Indonesia không thể ghi được bàn thắng do hoà 2 trận với tỷ số 0-0. Việt Nam và Thái Lan ghi 1 bàn khi hoà 1-1. Điều đó khiến cho đội chủ nhà bị loại ngay từ vòng bảng.
Indonesia bị loại, sau đó họ muốn loại Việt Nam và Thái Lan với lý do nghi ngờ đá thiếu fair play. Ảnh: PSSI |
Thực tế, Việt Nam và Thái Lan đá sòng phẳng, thậm chí đá rất máu lửa với nhiều pha phạm lỗi. Hai bên không ít lần khiến trọng tài vất vả ngăn cản cầu thủ hai bên đòi lao vào nhau.
Cả Đông Nam Á đều biết trong bóng đá thì các đội tuyển của Việt Nam và Thái Lan đều đá theo kiểu cay cú ăn thua. Không bao giờ khoan nhượng nhau.
Về tính chất cuộc chơi, tỷ số hoà 1-1 đến phút 80 thì rất khó để bất kỳ đội bóng nào mạo hiểm chơi tấn công. Vì một bàn thua sẽ khép lại cánh cửa vào bán kết.
Ví dụ tuyển Nhật Bản từng đá theo kiểu cầm chừng dù bị Ba Lan dẫn 0-1 ở World Cup 2018, bởi họ biết tin Colombia có bàn thắng vào lưới Senegal. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc Nhật và Senegal bằng điểm, bằng số bàn thắng bại và phải dựa trên chỉ số fair-play để xác định đội bóng đi tiếp. Nhật Bản đi tiếp nhờ hơn Senegal về chỉ số fair-play dù chính họ đá thiếu fair-play.
Không ai ủng hộ bóng đá thiếu tinh thần fair-play nhưng trong hoàn cảnh nhất định thì phải chấp nhận. Và đặt Indonesia vào tình cảnh như Việt Nam và Thái Lan, họ cũng sẽ chọn sự an toàn để vào bán kết khi trận đấu chỉ còn 10 phút.
HLV Shin Tae Yong chắc chắn hiểu được câu chuyện kể trên hơn ai hết. Vì ông từng dẫn Hàn Quốc đá World Cup 2018.
Do đó, HLV Shin Tae Yong, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia, hay lãnh đội Indonesia đừng có đổ lỗi như… “ăn vạ” vì đội nhà bị loại. Hãy tự trách họ khi bỏ lỡ nhiều cơ hội ghi bàn trong trận hoà Thái Lan 0-0.
Vì sao Indonesia quyết “ăn vạ”?
Một vấn đề khác cần nhìn nhận theo góc độ bóng đá, đây là sân chơi U19 Đông Nam Á, tức chỉ là một giải trẻ để các cầu thủ thi đấu và tiến bộ về chuyên môn. Thật hài hước khi Indonesia đòi AFF đều tra để xem xét loại Việt Nam và Thái Lan.
Câu chuyện này cho thấy U19 Indonesia rất được kỳ vọng ở giải đấu năm nay. Họ là chủ nhà, còn đưa HLV Shin Tae Yong (HLV trưởng tuyển Indonesia) xuống dẫn lứa U19 đá giải Đông Nam Á.
Sâu xa, bóng đá Indonesia đã đầu tư nhiều cho lứa U19 do họ làm chủ nhà U20 World Cup vào năm sau. Họ muốn vô địch Đông Nam Á để cho thấy sự hiệu quả và niềm tin cho VCK U20 World Cup.
Tuy nhiên, U19 Indonesia hoà Việt Nam và Thái Lan cùng tỷ số 0-0. Cả hai trận đấu cho thấy Indonesia có trình độ chưa bằng Việt Nam và Thái Lan về bản lĩnh lẫn lối chơi. Họ mạnh về thể lực nhưng kém về kỹ năng.
Tất nhiên, U19 Indonesia được HLV Shin Tae Yong dẫn dắt trên sân nhà nhưng bị loại sớm sẽ khiến cho người hâm mộ xứ vạn đảo thất vọng. Họ chắc chắn chỉ trích lãnh đạo bóng đá Indonesia, HLV Shin Tae Yong…
HLV Shin Tae Yong cũng không thể giúp U19 Indonesia vượt qua vòng bảng. Ảnh: PSSI |
Sức ép lớn cho bóng đá Indonesia không phải bây giờ mới xảy ra. Ngay trước giải U19 Đông Nam Á 2022, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia đã bị người hâm mộ chê trách vì ý tưởng đưa HLV Shin Tae Yong nắm U19. Họ cho rằng không tôn trọng HLV người Hàn Quốc, nhất là trong bối cảnh tuyển Indonesia đá vòng loại Asian Cup 2023.
Tất cả có lẽ lý do sâu xa để HLV Shin Tae Yong cùng quan chức bóng đá Indonesia phải… “ăn vạ”, tức tìm một nguyên nhân xoa dịu dư luận và người hâm mộ xứ vạn đảo. Đơn giản rằng, nếu không có lý do gì đổ thừa thì họ sẽ nhận đủ “gạch đá” trong thời gian này.