Trong tỉnh

Dấu ấn thu hút vốn FDI ở Nghệ An - Bài cuối: 'Địa chỉ đỏ' của các nhà đầu tư nước ngoài

Với nhiều tiềm năng và lợi thế, Nghệ An đang trở thành "địa chỉ đỏ" của các nhà đầu tư nước ngoài. Đây vừa là cơ hội lớn để Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá trong cả nước nhưng cũng là thách thức lớn với chính quyền địa phương này.

KCN WHA tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: CTV

Vài năm trở lại đây, Nghệ An đang trở thành một trong những tỉnh được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm, lựa chọn là điểm "dừng chân" hàng đầu với những dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ. Đây vừa là cơ hội lớn để Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá trong cả nước nhưng cũng là thách thức lớn với chính quyền tỉnh Nghệ An. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đang đứng thứ 8/63 tỉnh thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tốt nhất cả nước.

Để có thêm thông tin và góc nhìn về thu huý vốn FDI tại Nghệ An, Nhadautu.vn có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An (NAPC Nghệ An).

Xin ông cho biết, để có được kết quả như hiện nay, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Nghệ An đã có những nỗ lực và cải cách ra sao?

Ông Nguyễn Văn Nam: Thành quả của công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua của Nghệ An nhờ nỗ lực và đổi mới của toàn hệ thống chính trị. Tỉnh Nghệ An đã có những sự chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại địa phương.

Nghệ An đang thực hiện 5 nhiệm vụ chính được gọi là 5 sẵn sàng, trong đó sẵn sàng về cơ sở hạ tầng là quan trọng nhất. Đó là sẵn sàng về quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư FDI vào đầu tư, quỹ đất này nằm ngay trong các KCN như VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Hoàng Mai II… hay sắp tới là KCN VSIP Thọ Lộc (500ha). Có thể nói, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng là then chốt, quyết định. Bên cạnh đó là sẵn sàng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng doanh nghiệp kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.

Trước đây, Nghệ An thường tổ chức những Hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt các nhà đầu tư đầu năm, đây là cách làm truyền thống. Bây giờ, Nghệ An đã thay đổi, đó là tìm đến những đối tác lớn, những lĩnh vực thu hút đầu tư phù hợp với định hướng phát triển, quy hoạch của tỉnh để tạo ra những sản phẩm giá trị hơn.

Với một doanh nghiệp FDI lớn đã vào Nghệ An rồi, thì những doanh nghiệp FDI tương đương hoặc nằm trong hệ sinh thái của họ sẽ vào theo, tạo thành chuỗi. Đó là lý giải tại sao đến ngày 20/8, Nghệ An đang đứng thứ 8/63 tỉnh thành thu hút FDI lớn nhất cả nước (không phải luỹ kế từ trước nay, mà là trong 8 tháng đầu năm 2023).

Nghệ An đang là một điểm sáng trong thu hút vốn FDI của cả nước, khi chỉ trong vòng hơn 2 năm, Nghệ An đã thu hút được vốn FDI lớn hơn nhiều so với 12 năm trước cộng lại. Đó là con số thể hiện sự thành công, sự quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, với nhiều cách làm mới cùng sự hoàn thiện hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay… cộng với thực tiễn là "hoa đến thì thì hoa nở" nên Nghệ An đã gặt hái được những con số như vậy.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Theo ông, điều gì khiến nhiều doanh nghiệp FDI lựa chọn Nghệ An làm điểm dừng chân?

Ông Nguyễn Văn Nam: Việt Nam đang là địa chỉ mà các nhà đầu tư FDI có xu hướng chuyển dịch vào vì một nền kinh tế ổn định, vì một vị thế Việt Nam đang lên và vì một đất nước có nguồn nhân lực đang trong độ tuổi sung sức nhất với một giá thành hợp lý.

Tương tự, Nghệ An cũng vậy, với cự ly 300km so với cực tăng trưởng là thủ đô Hà Nội, thì Nghệ An đang là một "ngôi sao sáng" về việc có hạ tầng để phát triển, đặc biệt là bất động sản công nghiệp mà tỉnh Nghệ An đã làm mấy năm trước.

Những năm trước Nghệ An "chìm" là do đang giai đoạn chuẩn bị, bây giờ có những cái đã xây dựng xong, hoàn thiện xong và đã có thể bán được sản phẩm đó rồi. Cùng với đó, các bất động sản công nghiệp ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng…, những vệ tinh của Hà Nội cũng đã được lấp đầy, sắp hết quỹ đất này. Do đó, các nhà đầu tư FDI sẽ tìm đến các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An… với bất động sản công nghiệp hấp dẫn và nguồn nhân lực dồi dào để đầu tư sản xuất.

Thêm đó nữa là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính đang được Nghệ An đẩy mạnh hết sức. Những việc về cấp phép đầu tư, chủ trương đầu tư, hay giải quyết đến chuỗi cấp phép đầu tư được hỗ trợ rất nhanh. Cùng các chính sách hỗ trợ mới, Nghệ An cũng hỗ trợ các doanh nghiệp FDI tìm địa điểm có mặt bằng sạch để đầu tư, sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư.

Thời gian tới, khi hoàn thành các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay… thì Nghệ An sẽ là "địa chỉ đỏ" của các doanh nghiệp FDI. Còn cách làm thì phụ thuộc vào năng lực chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, của những người đứng đầu.

Nghệ An làm gì để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp FDI và định hướng trong thời gian tới là gì thư ông?

Ông Nguyễn Văn Nam: Nghệ An đã có những bước đi, những cách làm tổng thể, tính có chiều dài như: khi làm VSIP 1, Nghệ An đã tính đến chuyện VSIP 1 được lấp đầy, và sẽ triển khai ngay VSIP 2 (VSIP Thọ Lộc - gần 500ha).

'Tôi rất tin tưởng Nghệ An là "địa chỉ đỏ" của các doanh nghiệp FDI.'

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc NAPC Nghệ An

Bên cạnh đó, KCN WHA cũng đang đi những bước đi hết sức ổn định và có chiến lược. WHA là nhà đầu tư Thái Lan, điểm đến đầu tiên của họ ở nước ngoài là Nghệ An, họ cũng muốn biến Nghệ An thành hình mẫu, nên việc thu hút vốn FDI vào KCN này cũng đang rất thành công và họ sẵn sàng mở rộng giai đoạn 2 theo trục đường N5 lên đến huyện Đô Lương. Theo đó, với dư địa như vậy thì việc mở rộng KCN WHA không có gì khó khi giai đoạn 1 được lấp đầy. (Muốn mở mới KCN thì KCN cũ phải có tỷ lệ lấp đầy hơn 60%).

Hay, KCN Hoàng Mai I cũng rất khả thi khi đã có nhiều dự án lớn xuất hiện. Nghệ An đã gối đầu KCN Hoàng Mai I là KCN Hoàng Mai II đang triển khai thực hiện… xa hơn nữa là KCN Đông Hồi.

Sự chuẩn bị về hạ tầng của Nghệ An có sự gối đầu, cùng các cơ chế, chính sách về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển đồng bộ, dẫn đến dư địa để Nghệ An thu hút các nhà đầu tư còn rất nhiều. Tôi rất tin tưởng Nghệ An là "địa chỉ đỏ" của các nhà đầu tư FDI.

Cộng tất cả các hội tụ ấy, cùng với Nghị quyết 39 về phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An tầm nhìn 2030 - 2035, hành lang pháp lý, sự đồng thuận chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo cho Nghệ An có bức tranh rất trọn vẹn về thu hút đầu tư, trong đó có thu hút vốn FDI.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Nghệ An tập trung thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao về linh kiện điện tử, điện lạnh, cơ khí chính xác, phụ tùng ô tô xe máy… Tới đây, Nghệ An sẽ chú ý thu hút nhiều về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Nghệ An có cả khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có lợi thế dư địa rất lớn về tiềm năng rừng, và các sản phẩm liên quan đến rừng, liên quan đến lâm nghiệp.

Hiện, trữ lượng hàng năm của Nghệ An liên quan đến lâm nghiệp đang nằm trong top 5 cả nước, nhưng giá trị xuất nhập khẩu của Nghệ An đang còn thấp, và đang chủ yếu xuất sản phẩm thô vào các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Định… để họ gia công thành sản phẩm tinh xảo hơn để xuất khẩu.

Theo đó, thời gian tới, Nghệ An sẽ kêu gọi những nhà đầu tư đầu tư vào ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp. Cùng với đó, hướng đến phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch để phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, và bền vững. Ngoài ra, Nghệ An tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất công nghệ bán dẫn, cơ khí chính xác, phụ tùng ô tô, xe máy điện…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP