Một góc KCN VSIP 1 Nghệ An. Ảnh: CTV |
Hạ tầng đồng bộ
Ngoài những nỗ lực về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống hạ tầng của Nghệ An cũng đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ.
Lãnh đạo Ban quản lý KKT Đông Nam (Nghệ An) cho biết, với chủ trương xoay trục từ đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước sang các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút đầu tư xây dựng được 3 KCN đồng bộ, hiện đại là KCN VSIP, WHA và Hoàng Mai I. Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An đã có những cơ chế chính sách phù hợp, đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng KCN để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp "rót" hàng tỷ USD vào đầu tư.
Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghệ An sẽ chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển.
Theo đó, với cơ sở hạ tầng sẵn có, Nghệ An sẽ tập trung kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu bến Bắc Cửa Lò (nhất là cảng nước sâu Cửa Lò với 3 bến tàu có 100.000DWT thành cảng quốc tế).
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông kết nối đến Cảng biển. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam…
Mở rộng KKT Đông Nam, lấy KKT Đông Nam làm trung tâm để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp tập trung để hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu ngành công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như: Điện tử, công nhệ thông tin; cơ khí lắp ráp; công nghiệp hỗ trợ…
Phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển trong kết nối Nghệ An với thị trường Quốc tế, tạo sức hút dòng vốn FDI trong giai đoạn 2021-2030. Xây dựng 1 trung tâm logistic II trong KKT Đông Nam…
Luxshare ICT đã "rót" 275 triệu USD đầu tư vào KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng |
FDI công nghệ "lên ngôi"
Nhìn vào số liệu thống kê, các con số về thu hút đầu tư FDI của Nghệ An đã minh chứng cho một "luồng gió mới" đang chảy về địa phương này với loạt "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ đổ bộ.
Tính từ năm 2019 đến nay, Nghệ An đã thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI, trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: Goertek Vina (500 triệu USD), Runergy PV Technology (440 triệu USD), Everwin (200 triệu USD), JuTeng (200 triệu USD), Luxshare ICT (275 triệu USD), Mery&Luxshare (40 triệu USD)…
Điển hình, ngày 22/6 vừa qua, Nghệ An đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại KCN Hoàng Mai I. Dự án do Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 293 triệu USD. Hiện, Runergy PV Technology đã điều chỉnh và nâng tổng mức đầu tư dự án lên 440 triệu USD. Đây là dự án khởi đầu trong chuỗi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn này, với các dự án tiếp theo có thể nâng tổng số vốn đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam lên tới 1,2 - 1,4 tỷ USD.
Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2023, Nghệ An cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (100 triệu USD) cho Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn). Hay, ngày 11/1/2022, Nghệ An cũng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký (điều chỉnh) đầu tư dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại KCN WHA cho Tập đoàn Goertek. Sau hơn 1 năm triển khai giai đoạn 1 của dự án (giai đoạn 1 đầu tư 100 triệu USD), Tập đoàn này đã quyết định tăng vốn đầu tư dự án lên 500 triệu USD, trở thành dự án FDI lớn nhất ở Nghệ An hiện nay.
Ngoài ra, Nghệ An cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng tại KCN Hoàng Mai I (200 triệu USD); Dự án Cấu kiện điện tử tại KCN VSIP do Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam làm chủ đầu tư (200 triệu USD)…
Khi được Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư, hầu như các nhà đầu tư FDI đã hoàn thành rất nhanh các hồ sơ, thủ tục để khởi công, triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Wong Mannon Man, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (nhà đầu tư dự án Cấu kiện điện tử 200 triệu USD tại KCN VSIP Nghệ An) cho hay, khi Everwin bắt đầu làm các thủ tục đầu tư xây dựng dự án như: xin giấy phép xây dựng, PCCC, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư… đều được chính quyền tỉnh Nghệ An, đặc biệt là Ban quản lý KKT Đông Nam hỗ trợ rất nhiều.
Chỉ sau gần một năm khởi công xây dựng, dự án Cấu kiện điện tử 200 triệu USD của Everwin ở KCN VSIP Nghệ An đã hoàn thành giai đoạn 1 (gồm có 4 nhà xưởng, 1 tầng kết cấu thép và 1 toà ký túc xá), hiện đang xây dựng giai đoạn 2 (gồm có 2 nhà xưởng 3 tầng). Ảnh: CTV |
Theo ông Wong Mannon Man, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, chỉ sau gần một năm khởi công xây dựng, giai đoạn 1 của dư án (gồm có 4 nhà xưởng, 1 tầng kết cấu thép và 1 toà ký túc xá) đã được Everwin xây dựng xong và đang chờ nghiệm thu, bàn giao; giai đoạn 2 (gồm có 2 nhà xưởng 3 tầng) đang được thi công xây dựng.
"Từ nay đến quý I/2024, các thiết bị, máy móc sẽ được chuyển về nhà máy. Theo đó, chúng tôi phải chuẩn bị nhiều công việc như lắp đặt máy móc, dây chuyền, trang trí, tuyển nhân viên… Dự kiến, quý II/2024 dự án sẽ đi vào hoạt động, và chúng tôi sẽ cần khoảng 4.000 nhân viên trong 2 năm đầu vận hành", ông Wong Mannon Man nói.
Dự kiến năm 2023, Nghệ An sẽ thu hút được khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI Ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam (Nghệ An) |
Ông Lê Tiến Trị nhấn mạnh, từ giờ đến hết năm, Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt hỗ trợ thủ tục đầu tư vào các KCN để thu hút thêm nhiều dự án nữa. Theo ông Trị, dự kiến năm 2023, Nghệ An sẽ thu hút được khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI.
Với sự đổ bộ của nhiều "ông lớn" công nghệ trong và ngoài nước, các KCN ở Nghệ An cũng đang dần được lấp đầy. Đại diện Công ty TNHH VSIP Nghệ An thông tin, để phù hợp với nhu cầu thực tế triển khai thực hiện dự án, vào trung tuần tháng 3/2023, nhà đầu tư đã đề xuất điều chỉnh tổng vốn đầu tư tăng lên 6.343,4 tỷ đồng (tương đương 279,9 triệu USD). Việc tăng vốn đầu tư lên gần 93 triệu USD để thực hiện giai đoạn 4 và 5 của hợp phần khu đô thị và dịch vụ.
"Hiện, KCN VSIP Nghệ An I tại huyện Hưng Nguyên đã cơ bản được lấp đầy (đạt 96%), để đón làn sóng đầu tư mới sau đại dịch, Tập đoàn VSIP đã khởi công đầu tư dự án VSIP Nghệ An II có diện tích 500 ha tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú, Diễn Lộc (Diễn Châu)", vị Đại diện này nói.
Được biết, để tạo ra "luồng gió mới" trong thu hút đầu tư, liên tục thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải thiện chính sách, khơi thông kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đón đọc Bài cuối: 'Địa chỉ đỏ' của các nhà đầu tư
Tác giả: VĂN DŨNG
Nguồn tin: nhadautu.vn