Cô giáo Nguyễn Diệu Linh và học sinh của mình.
Ứng phó với biến đổi khí hậu bằng tích hợp liên môn
Là giáo viên dạy Vật lí giỏi của Trường THPT Hồng Quang, tỉnh Hải Dương, viêc chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh dường như là chưa đủ với cô giáo Nguyễn Diệu Linh. Đối với chị Vật lí hay bất cứ môn học nào cũng bắt nguồn từ thực tiễn và cuối cùng đi đến giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
“Giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu bằng việc tổ chức dạy học tích hợp các môn Vật lí, Địa lí, Sinh học, Hóa học sau khi dạy nội dung kiến thức chương “các định luật bảo toàn” chương trình Vật lí lớp 10 THPT” là một sáng tạo như thế của cô giáo Nguyễn Diệu Linh.
Chia sẻ về sáng kiến này, cô Linh cho biết: “Biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ngay cả ở tỉnh Hải Dương của tôi những tác động của biến đổi khí hậu cũng đã được nhìn thấy rõ ràng như hạn hạn, ngập lụt có dấu hiệu ngày càng khác biệt và khắc nghiệt hơn. Tôi cho rằng, học sinh cần có kiến thức đầy đủ về vấn đề này và trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong chống biến đổi khí hậu”.
Các giải pháp trong sáng kiến của cô giáo Nguyễn Diệu Linh nhằm giúp cho học sinh vận dụng kiến thức các môn học và lập sơ đồ tư duy về biến đổi khí hậu; tham quan thưc tế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại địa phương, phân tích ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, tiếp cận với các nguồn năng lượng sạch, các kỹ thuật hiện đại ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn và hội thi “Ứng phó với biến đổi khí hậu từ góc nhìn của Vât lí” là hai trong số các giải pháp thực hiện có hiệu quả sáng kiến đổi mới của cô giáo Linh. Số lượng học sinh tham gia và chất lượng của hai cuộc thi đã khẳng định tính thiết thực của sáng kiến này.
Nhìn lại kết quả của sáng kiến cô giáo Linh cho rằng, cái được lớn nhất là ý thức và trách nhiệm của các em về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện ngay trong việc các em tích cực tham gia hưởng ứng sự kiện “giờ trái đất” hàng năm. Còn đối với giáo viên, sau sáng kiến này đã có thêm nhiều chuyên đề khác được vận dụng từ các kiến thức Vật lí THPT để tao hứng thú cho học tập của học sinh.
Tuyên truyền an toàn giao thông từ kiến thức Vật lí
Hàng ngày trên đường chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông, đặc biệt nhiều vụ xảy ra tranh cãi, xung đột khi tìm ra người đúng người sai, cô giáo Nguyễn Diệu Linh đã này ra ý định thực hiện sáng kiến “Tích hợp giáo dục pháp luật an toàn giao thông qua việc giải quyết một số tình huống giao thông trong thực tế bằng vận dụng kiến thức chương “Các định luật bảo toàn” Vật lí lớp 10”.
Đối với sáng kiến này, học sinh đóng vai cảnh sát giao thông, bằng những kiến thức về các định luật bảo toàn thiết lập biểu thức tính tốc đô của các xe ngay trước và chạm dựa trên độ dài các vết trượt đo được tại hiện trường. Sau đó tích hợp với môn Tin học thiết lập các hàm số excel sao cho chỉ cần nhập độ dài vết trượt ta có ngay tốc độ các xe trước khi xảy ra va chạm. Đối chiếu với bảng tốc độ cho phép để xác định lái xe gây tai nạn ở các tình huống cụ thể.
Điểm đặc biệt của sáng kiến này là sau khi có được các thông số cụ thể, xác định được phương tiện gây tai nạn, từng nhóm học sinh phải thiết kế và trình chiếu bản powerpoint với chủ đề về an toàn giao thông và trình bày trong hội thi. Sẽ có một ba giám khảo là giáo viên và học sinh chấm điểm, nhận xét và trao giải.
Có lẽ vì điểm đặc biệt này mà sáng kiến đổi mới của cô giáo Nguyễn Diệu Linh không chỉ giúp cho học sinh củng cố được kiến thức Vật lí lớp 10 mà còn giúp các em có khả năng làm việc nhóm và tự tin hơn khi trình bày trước tập thể, quan hê giữa các học sinh trở nên thân thiện, gần gũi về khoảng cách kiến thức. Ngoài ra, đây cũng là cách gián tiếp tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông tới các em học sinh.
Sáng kiến của cô giáo Nguyễn Diệu Linh đã giành giải Nhì quốc gia năm 2014 trong cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học” và nhận giải thưởng sáng kiến kỹ thuật cấp tỉnh.
Ngoài hai sáng kiến kể trên, cô giáo Nguyễn Diệu Linh còn có một sáng kiến đổi mới sáng tạo đáng kể khác, đó là “Hướng dẫn học sinh thiết kế, chế tạo các thí nghiệm (đồ chơi) vật lí đơn giản nhằm củng cố kiến thức đã học, kích thích hứng thú học tập Vật lí của học sinh, góp phần giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hình thành và phát triển năng lực sáng tạo của học sinh”. Sáng kiến này cũng nhận được giải thưởng sáng kiến kỹ thuật của tỉnh Hải Dương.
Không ngừng tìm tòi đổi mới, cô giáo Nguyễn Diệu Linh đang ấp ủ một sáng tạo mới, khi được hỏi, cô chỉ cười và nói “sáng tạo này tôi đã gửi tới Ban tổ chức Hội thảo giảng dạy Vật lí toàn quốc và đang chờ phản hồi, nếu có kết quả tôi sẽ nói rõ hơn”.
Tác giả bài viết: Thu Minh
Nguồn tin: