Anh Đoàn Anh Dũng - sáng lập và sở hữu salon xe cũ C3 Auto - Ảnh: HOÀNG VŨ |
Trong chương trình Trên Ghế ngày 21-1, từ góc độ của người kinh doanh xe cũ, anh Đoàn Anh Dũng đã đưa ra những đánh giá xung quanh tác động của nghị định 168/2024/NĐ-CP lên thị trường xe đã qua sử dụng.
* Nghị định 168 đang khiến cho cả người mua và người bán xe cũ lo lắng khi giao dịch. Anh có lời khuyên gì để người mua và người bán xe cũ không gặp phải những xe bị phạt nguội?
- Khi chưa có nghị định 168, phạt nguội đã là một vấn đề nóng đối với giới kinh doanh xe cũ.
Thông thường, biên lợi nhuận của những xe phổ thông giá 300-700 triệu đồng không nhiều. Một chiếc xe chỉ cần bị 2-3 lỗi phạt nguội, người kinh doanh xe cũ đã không còn lợi nhuận, việc đi xử lý rất mất thời gian.
Thế nên, khi nghị định 168 được ban hành, khối kinh doanh xe cũ phải có cách phòng tránh. Hiện tại có 2 cách làm phổ biến nhất.
Cách 1, các hợp đồng ủy quyền hoặc công chứng mua bán sẽ có thêm điều khoản chủ cũ của xe phải chịu trách nhiệm nếu xe bị lỗi phạt nguội trong thời gian trước khi diễn ra hoạt động mua bán.
Đối với chủ cũ là doanh nghiệp, việc xử lý lỗi hay đòi tiền phạt sẽ dễ hơn. Khách hàng doanh nghiệp thường không muốn làm ảnh hưởng đến uy tín của cả một tập thể.
Mọi việc sẽ khó khăn hơn nếu chủ cũ là cá nhân không hợp tác về việc xử lý lỗi phạt nguội do họ gây ra. Lúc này, những người kinh doanh xe cũ sẽ phải cố gắng đàm phán để có được tiếng nói chung và phương án xử lý phù hợp.
|
Cách 2, những người kinh doanh xe cũ giữ lại một phần tiền khi mua xe từ chủ cũ. Số tiền này không cố định. Với một mẫu xe 500 triệu đồng, số tiền giữ lại khoảng 10-20 triệu đồng.
Sau khoảng 2 tuần, khi đã hoàn thiện mọi thủ tục mua bán, thu hồi biển số, nếu không gặp vấn đề về phạt nguội, người kinh doanh sẽ trả lại tiền cho chủ cũ.
Việc hoàn thiện nhận thủ tục thu hồi biển số cũ cũng là một cơ sở để đảm bảo chiếc xe đó hoàn toàn không gặp lỗi phạt nguội. Bởi vì nếu còn lỗi phạt nguội, cơ quan chức năng sẽ không cấp giấy thu hồi biển số.
Trường hợp không giữ lại tiền, chủ kinh doanh đã có niềm tin nhất định với chủ xe. Tuy nhiên, cũng cần kiểm tra trên website tra cứu phạt nguội để đảm bảo.
|
* Tất cả những phương án kể trên liệu có đảm bảo được chiếc xe cũ đó hoàn toàn là không dính phạt nguội không?
- Việc này thực ra vẫn có rủi ro.
Có những trường hợp chiếc xe bị phạt nguội tại các địa phương vùng sâu vùng xa, hoặc bị lỗi hệ thống nên thông báo phạt nguội được cập nhật chậm hơn, sau khi xe đã được mua bán.
Thực tế hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang truy thu một số lỗi phạt nguội chưa xử lý từ năm 2019.
Bản thân tôi cũng đã gặp trường hợp một chiếc xe đã mua bán giao dịch từ năm 2020, qua 2-3 đời chủ nhưng đến bây giờ lại nhận giấy thông báo phạt nguội.
Người chủ hiện tại phải xử lý việc này. Tuy nhiên, người gây ra lỗi đã từ lâu và giờ rất khó tìm lại được.
* Khi gặp trường hợp này, giới kinh doanh xe cũ phải làm gì?
- Chúng tôi sẽ phối hợp với chủ xe làm giấy ủy quyền để chúng tôi xử lý các lỗi phạt này.
Với những lỗi nặng, bị giữ bằng lái từ vài tuần đến vài tháng, việc xử lý sẽ cần nhiều thủ tục hơn. Người lái xe thời điểm bị phạt phải giao nộp bằng theo quy định.
Ngoài ra, với những lỗi phạt đã xảy ra từ nhiều năm trước và xe qua nhiều đời chủ, salon hoặc chủ hiện tại có thể làm giấy ủy quyền hoặc giấy giới thiệu để thực hiện nghĩa vụ đối với lỗi phạt trước đó.
* Người mua xe cũ cần làm gì để đảm bảo chiếc xe đó không còn lỗi phạt nguội chưa được xử lý?
- Những người mua xe cũ nên hình thành thói quen giao dịch thông qua salon xe cũ. Bởi vì, khi xe đã hoàn thiện thủ tục mua bán và thu hồi biển số từ chủ cũ, người mua mới hoàn toàn yên tâm xe không còn lỗi phạt nguội.
Một bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm đăng kiểm, hợp đồng mua bán và quan trọng nhất là giấy thu hồi biển số. Khi đã có giấy thu hồi biển số có nghĩa là chiếc xe đó đã hết lỗi phạt nguội chưa xử lý.
Đối với giao dịch mua bán giữa 2 người với nhau, có thể áp dụng cách làm giữ lại một phần tiền khoảng 10-20 triệu đồng. Sau khi xong thủ tục, người mua mới trả đủ 10-20 triệu đồng còn thiếu.
|
* Ngoài giới kinh doanh xe cũ, nghị định 168 còn ảnh hưởng tới giới kinh doanh cho thuê xe tự lái. Anh nhận định như thế nào về điều này?
- Đơn vị cho thuê xe có 2 phương án để thích ứng.
Phương án 1, các cơ sở cho thuê xe giữ lại đặt cọc của khách hàng số tiền 15-25 triệu đồng trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, không nhiều khách hàng đồng ý với phương án này, vì đó là một số tiền lớn.
Phương án 2 là các cơ sở cho thuê thương lượng để giữ lại giấy tờ tùy thân của khách, chẳng hạn căn cước công dân, đăng ký xe máy…
Nếu sau 15 ngày không phát sinh lỗi phạt nguội, các cơ sở này sẽ trả lại tiền hoặc tài sản cho khách thuê.
Ngoài ra, khi làm thủ tục thuê xe, khách hàng cần phải ký vào hợp đồng, trong đó có điều khoản phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh lỗi phạt nguội trong quá trình thuê xe.
Nhưng nếu khách hàng vẫn cố tình không chịu trách nhiệm, các đơn vị cho thuê không còn cách nào khác phải tự đứng ra nộp phạt để chiếc xe tiếp tục được lưu hành đúng quy định.
* Cảm ơn anh về những chia sẻ vừa rồi.
Tác giả: Minh Sơn
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ