Trong tỉnh

Cho chữ online ngày Tết, nét đẹp văn hóa ở Chí Linh Tự

Mỗi khi Tết đến Xuân về, Chùa Gám (Chí Linh Tự) ở Nghệ An lại chuẩn bị các hoạt động đón Tết cổ truyền, nhất là tục xin chữ ngày Xuân, nhằm giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy những phong tục tốt đẹp của dân tộc

Giáo dục thế hệ trẻ

Chùa Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) là một công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng được xây dựng từ đời Trần. Đây là điểm đến của một khu du lịch sinh thái tâm linh tầm cỡ khu vực Bắc Trung Bộ tại huyện Yên Thành. Được biết, chùa Gám trong hè năm 2017 chính là ngôi chùa đầu tiên tại Nghệ An tổ chức “Khóa tu mùa hè” dành cho thanh thiếu niên, sau đó các khóa tu khác được triển khai làm nên những mùa hè nhiệt huyết cho các bạn trẻ. Riêng tục cho chữ đầu Xuân, năm nào nhà chùa cũng tổ chức nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài…Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân quê lúa.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về chùa Gám lại tổ chức tục cho chữ. (Sư thầy Chúc Khả đang cho chữ trước khi có dịch COVID-19)

ĐĐ.Thích Tuệ Minh cho biết, khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp…, cũng là tự nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người luôn mong muốn, hy vọng hạnh phúc, phát đạt, mở mang, hướng thiện và cầu chúc cho mọi điều tốt đẹp đến với mỗi người trong năm mới.

Tết Nhâm Dần năm nay, vì tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên nhà chùa chủ yếu tặng chữ online để đáp ứng nhu cầu du xuân xin chữ đầu năm của người dân. Điểm nổi bật nhất của việc xin chữ là các ông đồ sẽ tương tác với người nhận chữ trên nền tảng Zoom. Theo đó sự tương tác và ước nguyện nhận chữ của người dân thực hiện tốt và chạm tới cảm xúc người cho và nhận chữ qua từng nét bút mực tàu, giấy gió.

Anh Phương, một phật tử chia sẻ: "Nhận chữ online của nhà chùa tôi vẫn thấy hoan hỉ như nhận trực tiếp vậy. Nó đảm bảo được sự an toàn và hạn chế sự tập trung đông người trong tình hình dịch bện hiện nay".

Du khách hoan hỉ khi xin được “lộc chữ” (ảnh chụp chiều mùng 1 Tết Nhâm Dần)

Ngoài ra, tại chùa vẫn một có góc “ông đồ” giữa không gian được trang trí như ngày xưa để cho chữ. Chị Tố Uyên, một phật tử đang chờ xin chữ cho hay: “Tết này, gia đình tôi về chùa lễ Phật cầu nguyện một năm mới bình an, lại bất ngờ khi thấy góc “ông đồ tặng chữ”, một hình ảnh rất quen nhưng cũng lạ với hiện nay lại được tái hiện trong không gian ngày Tết. Mọi người ai cũng muốn xin cho mình vài chữ cầu may mắn trong năm mới”.

Từ sáng mùng 1 Tết du khách đến xin chữ khá đông, nhưng mọi người ai cũng thực hiện tốt “5K” xếp hàng chờ đợi để được tặng chữ. Sau khi người xin chữ chọn nội dung, chỉ 15 - 30 giây, bàn tay uyển chuyển của “ ông đồ trẻ” đã viết nên từng con chữ như phượng múa, rồng bay.

"Du khách ai cũng đeo khẩu trang để đề phòng dịch bệnh, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm thành kính và hoan hỉ trên khuôn mặt mỗi người khi nhận được “lộc chữ” của chùa", một ông đồ cho biết.

Mặc dù đeo khẩu trang để đề phòng dịch bệnh, nhưng vẫn cảm nhận được niềm hân hoan của du khách khi xin được “lộc” chữ.

Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa

Cụ Nguyễn Hùng - một nhà giáo về hưu cho biết: “Trước đây Yên Thành có cụ Nguyễn Duy Đối - nhà thư pháp tài hoa hàng đầu xứ Nghệ, mỗi năm Tết đến, Xuân về, người đến xin chữ rất đông, nhưng cụ đã mất năm 2014. Đây thực sự là một mất mát lớn cho quê hương. Nhưng điều đáng mừng là có sư thầy Chúc Khả và phật tử Thành Trí lớn lên ở bổn tự đang còn rất trẻ tuổi đã tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống đó".

Sư thầy Chúc Khả và Phật tử Thành Trí viết được nhiều thể loại thư pháp, nhưng chủ yếu viết bằng thư pháp Việt. Theo Phật tử Thành Trí thì thư pháp Việt gần gũi, dễ cảm, dễ hiểu. Thư pháp Việt là một môn nghệ thuật và là một giá trị văn hóa cần được bảo tồn và phát huy. Đó cũng là một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt tinh thần của người dân Việt Nam.

“Ông Đồ trẻ” Thành Trí cho chữ tại Chí Linh Tự. ”(ảnh chụp chiều mùng 1 Tết Nhâm Dần)

Du khách đến xin chữ đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Chữ được viết theo tâm nguyện của người xin, bày tỏ mong muốn về tài lộc, sức khoẻ, công danh... trong năm mới. Ngoài ra nhiều người còn cho biết rằng, nơi chốn Thiền Viện linh thiêng này xin được chữ đó là một điều may mắn.

Mỗi người mỗi ước vọng và gửi gắm những điều ấy vào những con chữ của thánh hiền mà họ đi xin về như một điều mong mỏi. Nhưng trên hết, việc xin chữ và cho chữ đầu Xuân là những điều tốt đẹp, mang giá trị nhân văn, không chỉ có giá trị đối với bản thân, với thế hệ trẻ mà còn có ý nghĩa, ảnh hưởng tốt đến xã hội, tạo mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng, cùng nhau hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ.

Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của người dân quê lúa Yên Thành nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Tác giả: Tiến Dũng

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP