Trong tỉnh

Chính quyền tiếp tay cho sai phạm, để trại lợn “chống lệnh” ngang nhiên hoạt động không phép?

Mặc dù đã nhiều lần các đoàn cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trại lợn, lập biên bản về việc không có giấy phép, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, thậm chí cũng không có hợp đồng thuê đất,… thế nhưng không hiểu sao cơ sở này vẫn tồn tại hàng chục năm nay.

Tồn tại 15 năm không bị xử phạt

Trở về sau mấy ngày nằm viện, ông Hoàng Khắc Minh (SN 1950), trú xóm Cát Liễu, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cố di chuyển ra ngoài sân để hóng mát, dù tay trái vẫn phải giữ chặt dây truyền dịch đang đeo bên hông.

“Ở trong phòng bức bối quá, vì thế tôi phải ra đây cho thoáng. Mấy hôm trước tôi nhập viện cũng do nắng nóng, lại thêm cả mùi hôi của trại lợn bên cạnh khiến tôi ngột thở nên phải đi cấp cứu. Sức khỏe tôi vốn đã yếu rồi, cứ bị trại lợn hành hạ thế này thì mệt mỏi quá”, ông Minh nói.

Ông Minh và người dân xóm Cát Liễu đã rất nhiều lần viết đơn phản ánh, đề xuất trong các cuộc họp khối xóm, cử tri, hội đồng nhân dân,… về việc đưa trại lợn ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng đến nay đã hơn hàng chục năm trôi qua, trại lợn đó vẫn sừng sững.

“Mấy năm nay người dân chán không gửi đơn nữa, bởi vì biết không thể giải quyết được. Chúng tôi không hiểu vì sao dù tồn tại hơn 15 năm nay mà trại lợn này không hề bị xử phạt một lần nào”, ông Minh nói.

Để làm rõ về những phản ánh của người dân, phóng viên tạp chí Người đưa tin pháp luật đã liên hệ với phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Cửa Lò. Qua kiểm tra các văn bản từ trước đến nay về trại lợn này, ông Phan Văn, Phó phòng xác nhận chưa hề tiến hành xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường hay đất đai dù cơ sở này không có bất cứ giấy tờ, thủ tục nào.

“Chúng tôi đã phối hợp các đơn vị liên quan nhiều lần tiến hành kiểm tra trại lợn của ông Phùng Đức Hạnh, xóm Cát Liễu, phường Nghi Thu. Qua đó xác định, cơ sở này không hề có giấy phép chăn nuôi, thậm chí cũng không có hồ sơ thủ tục đối với thuở đất đang sử dụng. Chúng tôi đã lập biên bản những vi phạm này”, ông Văn nói.

Theo đó, trang trại của ông Phùng Thế Hạnh đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường. Không những thế, cơ sở này còn vi phạm hành chính về đất đai, khi có hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất trồng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất…

Đặc biệt, trong báo cáo kết quả việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thủ tục đất đai của cơ sở chăn nuôi ông Phùng Thế Hạnh số 3752/QĐ-UBND ngày 30/10/2019 của thị xã Cửa Lò khẳng định cơ sở đã hoạt động từ năm 2002.

“Mặc dù cơ sở đã có những giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường tuy nhiên việc xử lý nước thải, chất thải của vật nuôi không triệt để dẫn đến phát tán mùi ra môi trường, ảnh hưởng đời sống dân cư dẫn đến việc các hộ gia đình xung quanh cơ sở nhiều lần có ý kiến, kiến nghị UBND phường Nghi Thu, UBND thị xã và hội đồng nhân dân thị xã”, báo cáo nêu rõ.

Yêu cầu di dời 3 lần vẫn không thành công

Điều đáng nói, dù đã rất nhiều lần kiểm tra và xác định rõ lỗi vi phạm của cơ sở chăn nuôi này, thế nhưng trong các văn bản chỉ đề xuất 2 phương án xử lý.

Phương án thứ nhất là xử phạt 2 vi phạm về bảo vệ môi trường và đất đai, từ 3 triệu đến 6 triệu đồng; Yêu cầu chủ cơ sở có biện pháp khắc phục lập hồ sơ bảo vệ môi trường và các thủ tục đất đai theo quy định; Thực hiện nghiêm việc di dời vật nuôi và chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.

Phương án thứ 2 là thu hồi đất lấn chiếm của cơ sở, yêu cầu di dời toàn bộ vật nuôi và tháo dỡ công trình trên đất lấn chiếm.

Thế nhưng, tất cả những yêu cầu này chỉ nằm trên “giấy tờ”, bởi từ đó đến nay vẫn không hề có một văn bản xử phạt nào trước những sai phạm này. Dẫn đến việc chủ cơ sở bất chấp pháp luật, hoạt động ngang nhiên nhiều năm nay. Cũng vì vậy khiến cho người dân vô cùng bức xúc và chán nản khi viết đơn phản ánh rất nhiều lần nhưng vẫn không được.

Nói thêm về việc này, ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò cho biết, sau khi nhận được báo cáo của phòng Tài nguyên và môi trường đã lập tức chỉ đạo UBND phường và cơ sở chăn nuôi phải di dời số vật nuôi ra khỏi cơ sở, không được ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, UBND thị xã đã có tới 3 lần ra văn bản về việc này. Đó là Thông báo 71/TB-UBND ngày 4/5/2017, yêu cầu di dời trước tháng 6/2018. Sau khi quá thời gian, đến ngày 4/10/2018, UBND thị xã tiếp tục ra Thông báo 1250/UBND-TN yêu cầu chủ cơ sở di dời, hạn trước ngày 31/12/2018.

Thế nhưng, khi hết thời gian ông Phùng Thế Hạnh vẫn không thực hiện yêu cầu trên. Vì vậy, UBND thị xã tiếp tục lần thứ 3 ra Công văn 1548/UBND-TN gia hạn đến ngày 28/2/2019.

Liên tiếp ra các văn bản như vậy, nhưng đến thời điểm hiện nay cuối tháng 6/2020, chủ cơ sở vẫn không chấp hành. Trước việc này, người dân cho rằng một phần do chủ trang trại “chống lệnh”. Ngoài ra, cũng bởi vì UBND thị xã không cứng rắn, trong nhiều năm không xử lý dẫn đến việc "tiếp tay" cho ông Hạnh coi thường pháp luật.

Ông Võ Văn Hùng giải thích: “Lúc đầu đúng là UBND thị xã và phường kêu gọi ông Phùng Thế Hạnh lập trang trại để tạo ra một mô hình chăn nuôi đầu tiên trên địa bàn, nên mới tạo điều kiện để cơ sở nhanh chóng đi vào hoạt động. Nhưng sau đó, việc chăn nuôi không được thành công, ông Hạnh nuôi bò thì bị thất bại, nuôi lợn thì trúng đợt dịch, thiệt hại vô cùng lớn đến nay vẫn chưa trả hết”.

Theo vị Phó chủ tịch, thời điểm ra yêu cầu di dời cuối cùng là 28/2/2019, nhưng đúng lúc này lại xảy ra dịch tả lợn nên phải tập trung chống dịch, sang đầu năm 2020 thì đúng lúc Covid-19 hoành hành nên chính quyền vẫn chưa thể xử lý dứt điểm trang trại này.

“Chủ trang trại hiện đang tìm một địa điểm khác để di chuyển số lợn trên, hiện nay có một số đã được di dời đến nơi mới. Còn tại địa bàn phường chỉ nuôi vài chục con nữa thôi. Chúng tôi đã yêu cầu ông Hạnh đến cuối năm nay phải hoàn tất việc di dời. Lần này UBND thị xã sẽ xử lý hành chính nếu ông Hạnh không chấp hành, để tránh việc người dân kiện kéo dài”, ông Hùng khẳng định.

Ông Võ Duy Việt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, để trại lợn ô nhiễm ảnh hưởng đến người dân kéo dài nhiều năm thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về phường. “Phường phải tiến hành kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm rồi đề xuất với UBND thị xã. Nếu thấy đủ căn cứ thì cần phải xử phạt hành chính, rồi tìm cách di chuyển ra khỏi khu dân cư. Còn nếu trong nhiều năm vẫn không xử lý thì trách nhiệm do thị xã”, ông Việt nói.

Tác giả: A.N

Nguồn tin: Nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP