Giáo dục

Căn cứ nào để kỳ vọng đề thi môn Ngữ văn sẽ đổi mới?

Giống như mọi năm khi kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2023 lại xuất hiện nhiều ý kiến bàn luận về đề thi, trong đó môn Ngữ Văn được “mổ xẻ” nhiều nhất.

Dư luận cho rằng nội dung thi vẫn chỉ xoay quanh số ít những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam, có phần cũ kĩ, thiếu cởi mở, chưa nhiều “không gian” để học sinh sáng tạo, nói lên quan điểm cá nhân… Vậy có phải đội ngũ ra đề không tính tới điều này? Phải làm gì để đề thi Ngữ Văn cởi mở hơn?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”), nguyên Điều phối viên chính, Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

PV: Thưa ông, nhiều năm nay đề thi Ngữ Văn trong các kì thi ở trường cho tới tốt nghiệp THPT dường như không thay đổi về kết cấu và nội dung, xoay quanh phân tích tác phẩm, ít nội dung thể hiện quan điểm cá nhân và sáng tạo. Theo ông tại sao lại như vậy ạ?

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Trong bối cảnh cụ thể khi đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023, chúng ta cần phải lưu ý đến mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh ở nhiều vùng miền khác nhau, có nghĩa là đề thi ra thế nào để học sinh đại trà có thể lấy được điểm trung bình trở lên để xét tốt nghiệp.

(Ảnh minh họa)

Có một số người thỉnh thoảng đưa ra các đề thi, ví dụ như đề thi của Trung Quốc để nói rằng đề thi của người ta như thế mà tại sao đề thi của mình mãi mãi cứ lẹt đẹt, thì tôi nghĩ sự so sánh đó khập khiễng. Vì đó là những đề thi để tuyển sinh thí sinh xuất sắc nhất vào những trường đại học hàng đầu của họ.

Để ra được những đề thi như vậy tôi nghĩ là không khó, nhưng mà tôi không nghĩ rằng những đề thi kiểu đó phù hợp cho kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia của chúng ta. Thật ra phần đọc hiểu có một sự đổi mới rất đáng kể so với trước đây. Dữ liệu nó hoàn toàn mới, là một đoạn trích từ một bài thơ của Anh Ngọc, học sinh chưa bao giờ được học, hay yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của khả năng cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.

Đó là một vấn đề nghị luận rất hay. Chỉ tiếc rằng vấn đề đó xuất hiện trong một bài tập mà tỉ lệ điểm quá thấp, 2 điểm trong tổng số 10 điểm, cho nên tính mới của câu đó chưa tạo nên được ấn tượng rằng đó là một đề thi mới.

PV: Vậy nghĩa là đội ngũ ra đề thi không thể không biết đến mong muốn của xã hội về một đề thi cởi mở, mà vấn đề là họ chưa thể ngay lập tức phá vỡ rào cản, phải không thưa ông?

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: “Chúng ta không thể nào chê trách được Ban đề thi. Bởi vì quy định lâu nay trong khuôn khổ chương trình và SGK 2006 và theo nề nếp lâu nay là ngữ liệu trong các đề thi phải là những tác phẩm mà học sinh đã được học trong SGK.

Cho nên trong một ngân hàng dữ liệu nó rất là hạn chế. Nó chỉ có mười mấy tác phẩm thôi, thì không ra Vợ nhặt, sẽ ra Vợ chồng A Phủ… Mười mấy tác phẩm nó cứ lặp đi lặp lại như vậy. Cho nên cảm giác cũ kỹ là có thật.

Có nhiều người có quan điểm sai lầm rằng chỉ nên sử dụng những tác phẩm văn học mang hơi thở của đời sống đương đại, không nên dùng những văn bản như Vợ nhặt của Kim Lân hay Chí Phèo của Nam Cao.

Nếu như chúng ta cho học sinh tiếp cận những tác phẩm đó với tư cách là tiêu biểu của truyện ngắn Việt Nam, để hiểu được kỹ thuật viết truyện ngắn thông qua những truyện ngắn đặc sắc như vậy, học sinh biết được cách đọc một truyện ngắn cụ thể, thì những chuyện như Vợ nhặt của Kim Lân hay là Chí Phèo của Nam Cao không bao giờ cũ.”

PV: Vậy theo ông, để có được sự cởi mở, mới mẻ hơn với đề thi Ngữ Văn trong những năm tới, công tác dạy và học môn Văn cần thay đổi ra sao ạ? Thay đổi đó liệu có quá khó để thực hiện hay không, thưa ông?

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: “Việc thay đổi đề thi sẽ tác động trở lại với thực tế dạy học trong nhà trường và ngược lại, dạy học trong nhà trường sẽ mở đường cho việc đổi mới kì thi. Chúng tôi rất tin tưởng khi mà SGK được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, được triển khai cho đến lớp 12 đề thi sẽ mới căn bản. Cán bộ quản lý ở các cấp đều phải sử dụng ngữ liệu ngoài SGK. Cho dù có muốn đi nữa thì cũng không được phép dùng lại những tác phẩm đã được đưa vào SGK để làm dữ liệu trong đề thi.

Chỉ 2 năm nữa thôi thì đề thi của chúng ta sẽ có những đổi mới một cách căn bản. Các đề thi đánh giá thường xuyên cũng như đánh giá định kỳ cũng ra tư liệu mới. Nhưng vì sao mà ra tư liệu mới các em vẫn làm được, bởi vì chúng ta đổi mới phương pháp dạy học thông qua một tác phẩm văn học cụ thể, giúp các em nắm được mã thể loại của tác phẩm đó, trên cơ sở đó các em có thể đọc được những văn bản cụ thể thuộc cùng một thể loại.

Đó là cách tiếp cận hoàn toàn mới mà trong chương trình và SGK năm 2016 chưa có.”

PV: Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Xuân Tú

Nguồn tin: vov.vn

  Từ khóa: ngữ văn ,kỳ vọng ,căn cứ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP