Giảm thu nhưng lại kích cầu sản xuất kinh doanh
Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Lý giải sự cần thiết đề xuất giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù kết quả thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) của năm 2022 là tích cực, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đã cho thấy xu hướng giảm.
Lũy kế thu quý I/2023 ước đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán. Số thu NSNN tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện trong quý I bằng 26,9% dự toán, giảm 16,4% so cùng kỳ năm 2022.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Mức tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 5,6%. Bên cạnh đó, tăng trưởng chủ yếu nằm ở hai khu vực dịch vụ và nông - lâm - thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế nhưng lại đang suy giảm.
“Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc một số lượng lớn công nhân do doanh nghiệp bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi”, ông Phớc chia sẻ. |
Theo tư lệnh ngành tài chính, mục tiêu của việc ban hành nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển.
Nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển kinh tế, năm 2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT
Năm 2022, việc giảm thuế GTGT tổng cộng khoảng 44 nghìn tỷ đồng đã góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế.
“Do vậy, năm 2023, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%”, Bộ trưởng Tài chính nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. |
Dự kiến, việc áp dụng chính sách này, số giảm thu NSNN khoảng 5,8 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
“Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân”, ông Phớc nêu.
Có thể mở rộng giảm thuế đối với tất cả các mặt hàng
Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí bổ sung nội dung này vào chương trình, tán thành về việc thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, thu ngân sách năm 2023 rất khó khăn, doanh nghiệp, người dân khó khăn, liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không? Trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đề xuất tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% là cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng, đề xuất áp dụng vào thời điểm tháng 5/2023 là tương đối muộn, làm cho giải pháp giảm thuế không được thực hiện liên tục nên chính sách không thật sự phát huy tác dụng đối với khu vực doanh nghiệp.
“Chính phủ đề nghị giảm thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa dịch vụ có thuế suất 10%, nhưng việc đánh giá tác động chính sách của Chính phủ còn định tính nên cơ quan thẩm tra và đại biểu không đủ thông tin. Nếu làm rõ việc giảm thuế sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tác động lan tỏa các lĩnh vực khác thì có thể mở rộng giảm thuế đối với tất cả các mặt hàng”, ông Thanh nêu.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc giảm thuế giá trị gia tăng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan trình rút kinh nghiệm trong việc gửi chậm tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tác giả: Luân Dũng
Nguồn tin: Báo Tiền Phong