Nhân ái

Bố thần kinh, mẹ bỏ đi biệt tích, hai đứa trẻ sống ở bìa rừng ăn hoa chuối thay cơm

Hai em bé, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi tự dựa vào nhau mà sống như cỏ cây. Cô chị chăm lo cho mình, cho em và chăm cho cả bố.

Hai đứa trẻ leo lắt sống ở bìa rừng

Hình ảnh về hai em bé sống ở bìa rừng Hà Tĩnh, cô chị 10 tuổi chăm nom, đút cho cô em 4 tuổi ăn cơm với thân chuối luộc đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều bậc cha mẹ không thể kìm nước mắt khi nhìn gương mặt ngây thơ, trong veo của hai em.

Hai đứa trẻ là con của một gia đình nghèo, sống trong một túp lều nát ở bìa rừng keo tràm heo hút, cách biệt với khu dân cư. Hai cô bé tự mình chăm nhau, ai cho gì ăn nấy. Nếu không ai cho, bố không kiếm ra tiền, chúng vặt hoa chuối luộc, hái rau dại ven suối làm thức ăn.

Cô chị 10 tuổi chuẩn bị bữa cơm với hoa chuối cho cô em 4 tuổi.

Chúng không phải trẻ mồ côi, nhưng cũng không khá hơn là mấy. Cả thôn 2, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh không ai là không biết đến chuyện anh Đoàn Khắc Dũng (1983), bố hai đứa trẻ bất giác phát bệnh thần kinh. Mẹ chúng, chị Lê Thị Thắm (1987) cũng bỏ đi biệt tích từ 2 năm nay, chưa một lần quay lại thăm con.

Trước đây, anh Dũng, chị Thắm cũng (có vẻ) bình thường, đi làm ᴄôпg nhân ở miền Nam rồi yêu thương, kết hôn với nhau. Đến năm 2013, họ mới bế bé Đoàn Thị Yến về địa phương, dựng lều trên mảnh đất ở bìa rừng của bố mẹ cho. Họ sống không có điều tiếng gì, vẫn sống yên ổn sau khi sinh bé Đoàn Thị Thủy Tiên.

Thức ăn của hai bị em thường là hoa chuối, rau dại vặt được.

Chẳng hiểu vì sao, cả hai bỗng dưng có những biểu hiện bất thường, nói năng, hành động khác lạ, như phát bệnh thần kinh. Hồi đầu năm 2019, chị Thắm đi hẳn, bỏ hai đứa con nheo nhóc cho chồng. Không biết vì chán cảnh nghèo, sống trong rừng hoang vắng hay vì nghĩ quẩn mà bỏ đi, chỉ biết sau đó, anh Dũng lại càng lộ rõ biểu hiện của bệnh tật.

Anh Dũng chưa từng được đi khám hay chữa trị, không ai biết bệnh của anh nặng đến đâu, nhưng người xung quanh sợ, không dám thuê mướn anh làm việc gì. Cũng có khi tỉnh táo, anh đi làm việc vặt được chút đồng mua thức ăn cho con. Nhưng hiếm lắm. Hai đứa nhỏ chủ yếu sống leo lắt nhờ thức ăn kiếm được quanh rừng.

Hai đứa trẻ cứ thế mà lớn, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, thiếu sự dạy dỗ uốn nắn của cha. Bé Yến trở thành người quán xuyến việc nhà, đi kiếm thức ăn về nấu cho bố và em. Nó như một người mẹ nhí của em Thủy Tiên, lo từ chuyện tắm rửa đến đưa em đi học. Mỗi ngày, con bé dắt em đi bộ nhiều cây số tới trường mầm non, rồi đến trường của mình.

Bố đi làm chẳng ai thuê, tương lai con còn để ngỏ

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Trung – Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm cho biết, hoàn cảnh của hai đứa trẻ rất tội nghiệp, người ở địa phương ai cũng xót xa. Thương bé Yến như trái non chín ép, mới 10 tuổi mà rất hiểu chuyện, vừa lo học vừa chăm sóc bố và em.

Ông Trung kể, có người đến thăm, con bé vẫn khăng khăng nói nó thương mẹ, muốn đợi mẹ về. Năm mẹ nó bỏ đi, mẹ nó hứa khi nó học lên lớp 5 mẹ sẽ về. Giờ thì con bé gần hết học kỳ 1 lớp 5 rồi, đến một cuộc điện thoại nghe giọng mẹ cũng không có.

Bé Yến như một người mẹ nhí của em gái mình.

"Bé Yến thích đi học, cũng chịu khó học lắm. Bé có học lực khá. Còn bé nhỏ, chúng tôi rất buồn phải nói là có biểu hiện hơi thiểu năng trí tuệ, đi học mẫu giáo nhưng nhận thức kém hơn các bạn cùng tuổi.

Bố của bé thì cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, thần kinh không ổn định, không có việc làm. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc khan hiếm đã đành, nhưng khi có người thuê làm việc vặt, anh này cũng không làm được việc gì, được vài bữa lại bỏ. Chỉ thương bọn trẻ, không biết tương lai thế nào!" - ông Trung cho hay.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm cũng chia sẻ, hồi tháng 11 vừa qua, thông qua mạng xã hội và truyền thông, khi câu chuyện của hai em bé được lan tỏa, nhà hảo tâm khắp nơi đã hỗ trợ cho hai bé 131 triệu đồng. Cán bộ địa phương đã trích 30 triệu đồng để mở sổ tiết kiệm, dành dụm cho tương lai.

Túp lều nát của gia đình không có lấy một tài sản gì đáng giá.

Địa phương cũng giao chi hội phụ nữ hàng tháng trích một khoảng vừa vừa hỗ trợ mua gạo, thực phẩm hàng tuần cho hai bé từ quỹ của các nhà hảo tâm, còn bé Yến tự nấu. Còn lại, địa phương cũng dựng nhà để anh Dũng và hai con có thể chống chọi qua mùa đông.

"Nhà đang được dựng, dự kiến 10 ngày nữa có thể lắp cửa. Kinh phí làm nhà khoảng 160 - 170 triệu đồng, khoản còn thiếu khoảng 30 triệu đồng thì địa phương vẫn đang vận động thêm.

Thú thực, địa phương cũng phải cân nhắc. vì tiền của các nhà hảo tâm gửi rất quý, không thể tùy tiện phung phí hay dùng hết vào việc xây nhà. Quan trọng là phải để dành cho tương lai của hai cháu, chứ tiêu hết thì cuộc sống sau này của hai cháu không biết sao." - ông Hoàng Văn Trung cho biết thêm.

Tác giả: Bích Chi

Nguồn tin: Pháp luật và Bạn đọc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP