Trong nước

Bỏ cấp huyện, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp thế nào?

Các địa phương có trách nhiệm bố trí chỉ tiêu biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7 tới.

Khi bỏ cấp huyện, viên chức của các đơn vị sự nghiệp sẽ được sắp xếp như thế nào?

Cơ cấu lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả

Tại kế hoạch 47 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết nghị quyết 18 có một số nội dung đề cập việc sắp xếp viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập do UBND cấp huyện quản lý (trừ trường học và trạm y tế) sẽ được tổ chức lại, bảo đảm cung ứng hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu tại địa bàn cấp xã, liên xã, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Còn tại công văn 03 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Ban Chỉ đạo của Chính phủ) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký đã có những định hướng cụ thể về biên chế viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, trên cơ sở phương án sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực tại cấp xã mới theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các địa phương có trách nhiệm bố trí chỉ tiêu biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, thực hiện đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa bàn.

Cùng với đó, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hiện nay để chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo định hướng tại kết luận 137 và hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

Sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, Chính phủ sẽ giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp để bảo đảm hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Trong đó, ngoài giáo dục, y tế sẽ sắp xếp, tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn (cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường...).

Sắp xếp lại, tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (Ban quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng... trên địa bàn.

Trường hợp cần thiết có thể thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Ban quản lý dự án của UBND cấp tỉnh để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.

Giao UBND cấp tỉnh thực hiện việc cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, bảo đảm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu gắn với cơ cấu lại, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo yêu cầu của nghị quyết 19/2017 của Trung ương.

Viên chức thuộc diện sắp xếp được hưởng chính sách ra sao?

Tại cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập gồm đài truyền thanh, truyền hình huyện, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, trung tâm phát triển quỹ đất, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm dịch vụ đô thị, trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, thư viện, trung tâm văn hóa - thể thao huyện…

Số liệu cho thấy đến năm 2024 cả nước có hơn 1,7 triệu viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả các đơn vị đã tự chủ tài chính.

Theo các quy định hiện hành, viên chức diện sắp xếp sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi vị trí công tác, điều chỉnh lương, phụ cấp và chế độ trách nhiệm, đồng thời được bố trí tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ do địa phương tổ chức.

Ban Chỉ đạo Trung ương cũng giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành chính sách nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, nhằm bảo đảm nơi ăn ở ổn định sau khi điều chuyển công tác.

Ngoài ra, các chế độ, chính sách đặc thù áp dụng cho các đơn vị hành chính sau sáp nhập (như vùng cao, biên giới, hải đảo...) và chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp cũng sẽ được quy định rõ ràng.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP