Pháp luật

Ăn chặn tiền trên lưng bệnh nhân, cựu giám đốc BV Bạch Mai đối mặt án phạt nào?

Với hành vi nâng khống giá thiết bị y tế gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, các cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất 15 năm tù.

Ngày 25/9, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, và bà Trịnh Thị Thuận - Kế toán trưởng, trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai về tội "Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ Luật hình sự 2015.

Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc một số người lợi dụng chức vụ quyền hạn để cấu kết với những đối tượng thất đức nâng khống giá thiết bị y tế nhằm trục lợi trên lưng người bệnh là tội ác không thể dung tha. Những người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Theo luật sư Cường, để buộc tội các đối tượng trong vụ án này về tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh các đối tượng đã vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của cá nhân.

Nếu mức thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên, những người này phải đối mặt với mức hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù. Với thông tin ban đầu của vụ án, thiệt hại hàng chục tỷ đồng thì họ có thể sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Ngoài ra, những người bị kết án có thể sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm và bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Nếu thu lợi bất chính thì sẽ bị thu hồi.

Các bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận. (Ảnh: Bộ Công an)

Ngoài tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra làm rõ các dự án khác, các gói thầu khác và xem xét hành vi vi phạm pháp luật khác nếu có.

“Với những đối tượng bị tha hóa về nhân cách, bất chấp quyền lợi của bệnh nhân để vun vén cho lợi ích cá nhân thì rất có thể còn thực hiện các hành vi đưa và nhận hối lộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi đưa nhận hối lộ không, có hành vi tham ô tài sản hay không. Nếu trong quá trình điều tra có căn cứ cho thấy các bị can còn thực hiện hành vi phạm tội khác hoặc có người khác phạm tội thì sẽ tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý đối với các đối được có liên quan, các tội danh khác nếu có theo quy định pháp luật”, ông Cường nói.

Trục lợi trên lưng người bệnh là tội ác không thể dung tha. LS Đặng Văn Cường

Luật sư Cường cho rằng, giá máy móc thiết bị y tế bị nâng khống giá và số tiền mà những bệnh nhân phải thanh toán vượt quá nhiều lần số tiền thực tế đó là “những con số biết nói” và tiếng nói ấy cho thấy mức độ tàn nhẫn đến tột cùng, việc làm đó vô cùng thất đức. Các đối tượng này vì lợi ích mà bất chấp để trục lợi trên nỗi khổ, sợ hãi của người bệnh.

"Nghề y là ngày cứu người, là nghề đòi hỏi phải có đạo đức và lòng nhân ái, phải coi trọng tính mệnh con người và biết yêu thương, chia sẻ đối với những người trong cơn hoạn nạn.

Tuy nhiên một số đối tượng lại bất chấp điều đó, vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà giẫm đạp lên quyền lợi chính đáng của bệnh nhân, "ăn chặn" từ tiền xương máu, từ sự khốn khó kiệt cùng của người bệnh.

Người bệnh phải dùng các loại thiết bị y tế này thường là người mang bệnh nặng, thậm chí có thể đang phải đối mặt với cái chết, việc cứu chữa, điều trị dài ngày có thể khiến họ lâm vào tình trạng quẫn bách, tuyệt vọng", ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, nhắc đến giám đốc bệnh viện lớn hoặc kế toán trưởng của bệnh viện lớn thì không ai nghĩ rằng họ là những người khó khăn về kinh tế nếu như không nói là họ rất giàu có, sung túc.

Chỉ cần làm đúng chức trách nhiệm vụ của mình thì tiền lương, thu nhập mà Nhà nước chi trả cho họ đã rất lớn, chưa tính đến chuyện họ làm thêm hoặc là các khoản quà biếu hợp pháp. Vậy không hiểu họ còn thiếu gì mà phải dùng thủ đoạn và bất chấp pháp luật như vậy để "ăn chặn" tiền của người bệnh đang trong cơn khốn khó?!

"Sau những vụ việc xảy ra về kinh doanh thuốc giả chữa ung thư, vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và một số vụ án khác rồi đến vụ này, thì đã đến lúc cần phải thanh tra, kiểm tra đồng loạt hoạt động mua sắm tài sản công, mua sắm thiết bị y tế và các hợp đồng liên doanh liên kết của các bệnh viện công để kịp thời phát hiện xử lý các vụ việc vi phạm tương tự.

Ngành y dược là ngành đặc thù, có vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo sức khỏe của người dân, là nghề được cả xã hội tôn vinh, quý mến, rất nhiều ý bác sĩ, cán bộ y tế rất đáng kính trọng, cả đời hy sinh vì sức khỏe của người bệnh. Vì thế không để một vài cá nhân xấu làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề này", ông Cường chia sẻ thêm.

Tác giả: XUÂN TRƯỜNG - MẠNH ĐOÀN

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP