“ Dân ca xứ Nghệ là thể loại rất độc đáo, mộc mạc và phong phú như hát ví, hát dặm, xẩm, sắc bùa, hát ru, hát đồng giao…Tất cả đều có nét độc đáo, dung dị không kém phần duyên dáng, vừa giàu tính nhân văn, nhưng lại mang tính bác học, rất gần giũ với cuộc sống đời thường”.
Trong cuộc sống đời thường, mặc dù với bao bộn bề lo toan, vất vả, nhưng với niềm đam mê và bầu nhiệt huyết trong phong trào văn nghệ quần chúng, chính ông là người gây dựng phong trào hát dân ca ở địa phương, quyết tâm vận động bà con tham gia học và hát dân ca. Từ một người, hai người, ba người thông qua những đêm diễn đã lôi cuốn được nhiều người tham gia, để đến hôm nay câu lạc bộ hát dân ca xã Đồng thành đã có trên 20 thành viên tham gia và gặt hái nhiều thành công qua các kỳ hội diễn. Bà Phan Thị Thắng, Chủ nhiệm CLB dân ca xã Đồng Thành cho hay:
“ Với CLB dân ca xã Đồng Thành thì bác Trần Quốc Minh có công rất lớn, nay tuy tuổi cao nhưng bác vẫn rất nhiệt tình, không quản ngại ngày hay đêm, mưa nắng thường xuyên bám trụ để tập luyện cho các thành viên vào những lúc chuẩn bị hội diễn, có thể nói bác là chỗ dựa tinh thần và linh hồn cua CLB”
Thành công từ câu lạc bộ hát dân ca Đồng Thành do ông Trần Quốc Minh gây dựng, đến nay ở huyện Yên Thành phong trào hát dân ca đã có sức lan tỏa rộng khắp, toàn huyện đã thành lập được thêm 12 câu lạc bộ với hàng trăm thành viên tham gia. Mỗi câu lạc bộ được thành lập là một sự góp sức không nhỏ của ông Trần Quốc Minh. Dưới sự hướng dẫn dìu dắt của ông, không ít người đã thành danh, đạt được nhiều giải cao trong các hội diễn liên hoan nghệ thuật quần chúng ở cấp huyện, cấp tỉnh. Tiêu biểu có nghệ nhân ưu tú dân gian Nguyễn Cảnh Sơn; anh Đặng Ngọc Châu; chị Phan Thị Thắng.v.v. đều trưởng thành từ CLB dân ca Đồng Thành. Thầy Trần Danh Tuyết, giáo viên trường THCS Đồng Thành chia sẻ:
“Nghệ nhân dân gian Trần Quốc Minh như một người thầy thực thụ, ông đã nhiệt tình tận tâm dìu dắt thế hệ chúng tôi biết bảo tồn và lưu giữ truyền thống của quê hương, góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, thắp lửa tình yêu hát dân ca trong mọi tầng lớp nhân dân địa phương”.
Một điều đáng ghi nhận ở nghệ nhân dân gian Trần Quốc Minh, đó là bằng tình yêu dân ca, say đắm với những làn điệu mượt mà, đằm thắm mà suốt hơn 40 năm qua ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu và viết hàng trăm tác phẩm về dân ca và các điệu ví dặm. Nét tương đồng của những tác phẩm do ông sáng tác và dàn dựng đều tập trung vào đề tài nông thôn và người nông dân, mang âm hưởng hơi thở cuộc sống, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ; tập trung vào ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước con người; phê phán những thói hư tật xấu, tiêu cực trong xã hộị .v.v. Chính vì điều này mà các tác phẩm do ông sáng tác đã gần gũi hơn với đời sống lao động của người nông dân. Trong đó những tác phẩm xuất sắc phải kể đến đó là diễn xướng “ Đẹp lời hò hẹn”; “ Gái làng khoai - trai làng vật”; “ Bên ni, bên nớ”… Liên tục 3 năm qua luôn đoạt giải A tại Liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Năm 2015 ông được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng thưởng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác trình diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh và mới đây vinh dự được Hội văn học dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận “ Nghệ nhân ưu tú”. Nghệ nhân ưu tú Trần Quốc Minh không nổi niềm vui:
“ Được công nhận nghệ nhân ưu tú là một vinh dự lớn đối với tôi; nhưng vinh dự bao nhiêu thì trách nhiệm nặng nề bấy nhiêu. Tôi chỉ mong muốn có thêm thời gian để sáng tác và tập luyện cho các CLB và học sinh trong các trường học, đó là tôi thường xuyên trăn trở và tâm đắc nhất…”
Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài với công việc sáng tác, với ông đó là một quá trình lao động nghệ thuật thực sự nghiêm túc, không ngoài mục đích phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân, mà hơn thế đã tạo nên sự lan tỏa và sức sống mạnh mẽ của ví dặm trên mảnh đất quê hương. Với ông, niềm hạnh phúc lớn nhất là được đóng góp một phần nhỏ của cuộc đời trong việc bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca xứ Nghệ - một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cho mạch nguồn dân ca ví dặm mãi trường tồn với những mùa Xuân./.