Thế giới

8 năm tại vị của ông Obama: Những kỳ tích và thách thức để lại

Vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ lên cầm quyền vào thời điểm kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn rất khó khăn. Sau 8 năm sau nhìn lại, ông Obama đã làm nên những kỳ tích, nhưng cũng để lại cho người kế nhiệm những thách thức.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama (Ảnh: NBC News)
Đối nội: Những nỗ lực kinh tế nhiệm màu

Thời điểm ứng cử viên tổng thống gốc Phi bắt đầu được chú ý trong các chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ vào đầu năm 2008 cũng là thời điểm sàn chứng khoán New York hứng chịu trận "đại hồng thủy" mang tên Lehman Brothers. Tháng 9/2008, tập đoàn chứng khoán và tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ tuyên bố phá sản với khoản nợ 613 tỷ USD. Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Tám triệu người lao động Mỹ đã mất việc làm, 7 triệu người bị tịch biên nhà ở, thị trường bất động sản đóng băng.

Ngày 4/11/2008, lịch sử gọi tên Barack Obama là người cầm lái vực dậy con tàu kinh tế Mỹ đang đắm chìm trong cuộc khủng hoảng “phối hợp”: bất động sản, tín dụng địa ốc; khủng hoảng tài chính ngân hàng và sự sụp đổ của ngành tài chính.

Đúng như khẩu hiệu lúc tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ “cùng nhau, làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ và thế giới”, vị tổng thống thứ 44 này đã hành động để vực dậy con tàu này.

Ông Obama đã thông qua kế hoạch kích cầu gần 800 tỷ USD, tăng ngân sách liên bang và bơm khoản tiền đó vào các hoạt động kinh tế, thuyết phục được cả Ngân hàng Trung ương (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ…. "Đây là một sự kết hợp khéo léo của Obama", hãng tin AFP dẫn nhận định của giáo sư Frank Khalifa từ Trường Cao đẳng Billières, Toulouse (Pháp).

Kết quả của sự khéo léo này là tăng trưởng GDP trở lại mức trên dưới 3% và giữ tỷ lệ tăng trưởng cao nhất so với tất cả các nước phát triển. Hơn 15 triệu công việc làm đến tay người dân, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục 11% năm 2010 xuống mức 5% vào thời điểm chỉ vài ngày nữa ông Obama rời Nhà Trắng. Cảm tình của các công dân Phố Wall dành cho Barack Obama tăng tỷ lệ thuận với chỉ số chứng khoán Dow Jones và NASDAQ, tức là gấp 2 và 3 lần so với trước đó.

Tuy nhiên, theo CNN, điểm trừ về tài chính mà ông Obama để lại cho người kế nhiệm là khoản nợ công từ 10.600 tỷ USD tăng lên đến 19.000 tỷ USD.

Về xã hội, Washington Post tổng kết: Đạo luật “Obamacare”, với ý tưởng người nghèo nhất cũng được nhà nước chăm sóc khi đau ốm và có hiệu lực cách đây 2 năm, vẫn gây tranh cãi và chưa đến được nhiều với người dân và khiến đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010. Một thất bại nữa là khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ ngày càng lớn. Năm 2009, 1% những người giàu nhất nắm giữ 16,7% tổng sản phẩm của cả nước và đến nay tỷ lệ này lên tới 18,4%.

Đối ngoại: Những đột phá mang tính lịch sử và di sản đáng tiếc

“Ông Obama đã gặt hái được những đột phá ngoại giao mang tính lịch sử cho nước Mỹ, nhưng những gì ông không làm được cũng đáng tiếc”, trang Diplomat nhận định.

Trong 8 năm qua, ông Obama đã mở ra một thời kỳ ngoại giao mới, tái xác lập nước Mỹ như một động lực thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và khẳng định uy tín của Mỹ với các đồng minh sau những chia rẽ trong nhiệm kỳ của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush trong khi tăng cường mối quan hệ kinh tế và quân sự với Đông Nam Á.

Ông Obama cũng không để Mỹ lún sâu vào các cuộc xung đột khi quyết định rút 190.000 lính Mỹ (trên tổng số 200.000 quân vào thời điểm đỉnh cao xung đột) khỏi Iraq và Afghanistan; bảo đảm an ninh cho nước Mỹ khi không có cuộc tấn công khủng bố mới quy mô lớn nào xảy ra trên lãnh thổ.

Năm 2015 dường như là năm ông Obama lưu lại nhiều dấu ấn nhất. Trước tiên phải kể đến chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau nhiều thập kỷ gián đoạn. Tại “lò lửa” Trung Đông, Mỹ cùng các cường quốc đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran sau 9 năm thương lượng. Tại châu Á, chiến lược “xoay trục” tiếp tục là trọng tâm mà “trục chính” là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước thành viên mà Mỹ là trụ cột đã đạt được thỏa thuận lịch sử 5 năm đàm phán.

“Quyết định của ông Obama nhằm bắt tay với Iran, Cuba, phần còn lại của khu vực Mỹ Latinh, và tăng cường hiện diện ở châu Á đã góp phần tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới”, trang tin Diplowed nhận xét.

Tuy nhiên, lời cam kết chấm dứt chiến tranh ở Iraq và Afghanistan mà ông đưa ra vẫn còn dang dở, trong khi nước Mỹ vẫn bế tắc trong việc tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, Đông Âu cũng như cuộc chiến chống khủng bố, Hồi giáo cực đoan mà tiêu biểu là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Ngoài ra, những thành tựu ngoại giao mang dấu ấn của ông còn phụ thuộc vào các quyết sách của người kế nhiệm, tỷ phú Donald Trump. Ông Trump từng ra chỉ dấu về sự cứng rắn trong vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và về cái mà ông gọi là “dân chủ” ở Cuba cũng như đe dọa hủy các thỏa thuận về biến đổi khí hậu, thương mại của ông Obama.

Đặc biệt, tại châu Á, nơi một Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt, dường như vai trò của Mỹ đang thực sự giảm sút. Tờ Politique internationale của Pháp còn gọi châu Á là “bản tổng kết dang dở của Obama”.

Châu Á là điểm nhấn

Khi ông Obama vào Nhà Trắng, châu Á đang trong giai đoạn tổ chức lại sau hai cuộc khủng hoảng liên tiếp: khủng hoảng khu vực năm 1997 và khủng hoảng thế giới năm 2008.

Trong 8 năm qua, Tổng thống Barack Obama đã dành thời gian và công sức để tạo dựng cho nước Mỹ những người bạn mới ở châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á.

Dưới nỗ lực của Obama, Mỹ thắt chặt liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc (vốn bị sao nhãng trong chính quyền trước đó), tăng cường quan hệ Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, Myanmar và đặc biệt là Ấn Độ (Thủ tướng Narendra Modi đã thăm Mỹ 4 lần trong thời gian từ 2014-2016).

Năm 2011, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng “Xoay trục sang châu Á” từ nay sẽ là trục chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ. “Mục đích của Obama là “một mũi tên trúng hai đích”: phát tín hiệu với các đối tác truyền thống của Mỹ trong khu vực về cam kết của Mỹ, trong khi khẳng định với Trung Quốc rằng nước này cần phải hành xử cho phù hợp”, hãng Fox News viết. Ông Obama sau tuyên bố trên tự nhận là “Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của nước Mỹ”.

Tổng thống Obama và quan chức hàng đầu Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến công du tới khu vực Đông Á; bổ nhiệm một đại sứ bên cạnh ASEAN; Barack Obama thậm chí mời lãnh đạo của mười quốc gia thành viên tới Sunnylands (California) trong hai ngày thảo luận không chính thức vào tháng 2/2016.

Mỹ tái triển khai quân từ một mạng lưới mới các căn cứ và các điểm hỗ trợ quân sự: Đối tác chiến lược đã được khẳng định với Australia với 2.500 quân Mỹ triển khai cho đến năm 2017; các hiệp định quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc; các hiệp định tăng cường hợp tác với Philippines, Singapore…

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ và đồng minh trong khu vực bị thách thức với ám chỉ “xem lại phân chia gánh nặng chi phí quân sự với các liên minh” từ Tổng thống đắc cử Donald Trump. Chiến lược “xoay trục” và uy tín của Mỹ đang bị thách thức, thậm chí từ chính đồng minh trong khu vực như Philippines. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trụ cột chính của “xoay trục” gần như sẽ thất bại.

“Các quốc gia châu Á lo ngại trước sự hiểu biết của ông Trump về tính phức tạp của châu Á… Dù gì đi nữa, người đứng đầu sắp tới của Chính quyền Mỹ sẽ phải viết tiếp bản báo cáo đang bỏ ngỏ của Barack Obama”, Politique internationale viết.

Tác giả bài viết: Tuệ An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP