Du lịch

7 món lẩu độc đáo của vùng sông nước miền Tây

Vùng sông nước miền Tây có rất nhiều món ăn vừa ngon, vừa lạ miệng, trong đó phải kể đến các loại lẩu như lẩu mắm, lẩu cá kèo, lẩu bần...

Lẩu mắm

Nhắc đến ẩm thực miền Tây, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món lẩu mắm. Với hương vị độc đáo, hấp dẫn, lẩu mắm đã chinh phục trái tim của bao thực khách.

Món ăn này là sự kết tinh của văn hoá Nam Bộ. Để chế biến được món lẩu mắm thơm ngon, việc lựa chọn cá để làm mắm vô cùng quan trọng. Thông thường, loại cá được sử dụng phổ biến để làm món lẩu mắm là cá linh và cá sặc.

Dù có tên là lẩu mắm, nhưng nước lẩu không quá mặn mòi, mà có vị ngọt đậm đà, thơm ngon. Ngoài ra, trong nồi lẩu mắm miền Tây còn có nhiều loại nguyên liệu như tôm, thịt ba rọi, cá mực, tôm và các loài rau đặc trưng của vùng sông nước như rau nhút, rau đắng, điên điển, lục bình, kèo nèo, húng quế, so đũa...

Lẩu cá thác lác

Lẩu cá thác lác là món ăn đặc sản của miền sông nước Hậu Giang. Nếu về Hậu Giang mà chưa thưởng thức lẩu cá thác lác thì coi như phí hoài cả chuyến đi.

Bên cạnh cá thác lác, món lẩu này còn độc đáo bởi có thêm vị tươi mát của khổ qua, vị ngọt lành của nước lẩu. Dù quen thuộc với người dân địa phương nhưng đây vẫn là món ăn lạ miệng với nhiều du khách nên bạn có thể lựa chọn thưởng thức nếu có dịp ghé thăm Hậu Giang.

Lẩu cá linh bông điên điển

Lẩu cá linh bông điên điển chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi miền Tây, tức là vào khoảng tháng 9 đến tháng 11. Đúng như tên gọi, 2 nguyên liệu không thể thiếu của món lẩu này là cá linh và bông điên điển.

Cá linh tẩm ướp gia vị đậm đà, nước dùng nấu từ nước dừa tươi kết hợp với me chua nên có vị chua chua ngọt ngọt hấp dẫn. Khi bắt đầu ăn, cá linh mới được cho vào nước lẩu cùng bông điên điển để thịt cá không bị nát. Khi thưởng thức, vị cá linh chua ngọt hòa quyện cùng vị của hoa điên điển chắc chắn sẽ chinh phục bất kỳ thực khách nào.

Lẩu bần

Lẩu bần là một trong những món ngon Cần Thơ nổi tiếng, không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại lẩu nào. Nước lẩu đậm đà, thanh ngọt được nấu từ nước dừa tươi. Tuy nhiên, hương vị ấn tượng của món lẩu này lại là từ trái bần chín.

Thông thường, lẩu bần sẽ được ăn kèm với các loại cá đặc sản miền Tây như cá ba sa, cá chẽm và nhiều loại rau đồng nội của miền Tây sông nước so đũa, điên điển, bắp chuối thái…

Lẩu cá kèo lá giang

Lẩu cá kèo lá giang là món đặc sản miền Tây có khả năng chinh phục mọi tín đồ ẩm thực. Món lẩu này ngon nhất nhờ có cá kèo tươi sống.

Thịt cá kèo ngọt mềm, hòa quyện với vị lá giang chua chua cùng nước dùng chua ngọt nóng hổi, đem đến cho thực khách cảm giác ngon miệng khó cưỡng. Các món rau ăn kèm với lẩu cũng rất phong phú như rau muống, rau rút, rau đắng, đậu bắp, hoa chuối và bún…, giúp bạn không bị ngấy.

Khi ăn lẩu cá kèo chắc chắn sẽ không thể thiếu bát nước chấm đậm đà. Một điểm độc đáo của món lẩu này là sử dụng loại nước mắm me đặc trưng của miền sông nước.

Lẩu cháo cá lóc rau đắng

Cá lóc là loại cá phổ biến ở miền Tây, được chế biến thành nhiều món ngon như canh chua cá lóc, cá lóc nướng trui, cá lóc kho tộ... Trong đó, một món ăn có cách làm đơn giản nhưng lại mang hương vị rất riêng và được người dân nơi đây ưa chuộng chính là lẩu cháo cá lóc rau đắng.

Thịt cá lóc ngọt mềm nấu nhuyễn cùng cháo, kết hợp cùng rau đắng tạo nên tổng thể món lẩu vô cùng hấp dẫn, kích thích vị giác người ăn. Nếu được thưởng thức một nồi cháo miền Tây nóng hổi giữa ngày mưa thì quả là “sướng” không gì bằng.

Vì hương vị thơm ngon nên ngày nay món cháo cá lóc rau đắng không chỉ là "món ăn tủ" của người dân miền sông nước mà còn thu hút nhiều thực khách gần xa.

Lẩu gà ớt hiểm

Lẩu gà nơi nào cũng có, nhưng lẩu gà chanh ớt thì chỉ ở miền Tây mới chuẩn vị. Điểm nhấn của món ăn này chính là phần nước lẩu được nấu từ dừa tươi và một lượng lớn ớt hiểm, nên có vị ngọt thanh xen lẫn cay nồng, quyến rũ.

Lẩu gà ớt hiểm thường được người miền Tây ăn kèm với bắp chuối và các loại rau tươi tùy sở thích.

Tác giả: Như Khánh

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP