Kinh tế

Vụ nhà máy nước sông Đuống chưa hết lùm xùm, đến lượt Bảo hiểm Viễn Đông của Shark Liên bị ‘tuýt còi’

Chuyện “ồn ào” liên quan đến CTCP nước mặt sông Đuống chưa lắng thì gói bảo hiểm Corona Care của Bảo hiểm Viễn Đông (do Shark Liên đứng đầu) lại bị Bộ Tài chính tuýt còi.

Doanh nghiệp của Shark Liên bị phạt

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ Tài chính đã lập biên bản làm việc và biên bản vi phạm hành chính về việc Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) liên quan đến bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) vì triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe Corona Care trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3786/BTC-QLBH và Công văn số 3790/BTC-QLBH ngày 31/3/2020; Công văn số 3946/BTC-QLBH ngày 3/4/2020 yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm quán triệt trong toàn hệ thống, đại lý của doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19".

Lãnh Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, ngay sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, ngày 14/5 và 15/5/2020, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn công tác làm việc tại VASS. Theo đó, Bộ Tài chính đã lập biên bản làm việc và biên bản vi phạm hành chính về việc VASS triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe Corona Care của Shark Liên trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn.

Lãnh đạo Cục cũng cho biết thêm, đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe do doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ triển khai có phạm vi bảo hiểm không loại trừ trường hợp ốm đau, bệnh tật, tử vong do dịch bệnh. Vì vậy, người tham gia bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm này sẽ được chi trả các quyền lợi trợ cấp theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp bị mắc Covid-19.

Các quyền lợi này là độc lập, không có mâu thuẫn gì với các quyền lợi đã được Nhà nước chi trả. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và chưa ghi nhận trường hợp vi phạm nào của các doanh nghiệp. "Trong thời gian tới, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai các sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo đúng quy định pháp luật và xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền nếu có" – lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 5/2/2020, Ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) thuộc Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) chính thức ra mắt gói sản phẩm mới "Corona Care - Chung tay đẩy lùi Corona". Sản phẩm bảo hiểm Corona Care được VASS giới thiệu là gói bảo hiểm 3 không: Không chi phí hoa hồng; không chi phí quản lý; không chi phí bán hàng. Theo công ty bảo hiểm này, Corona Care được định phí với 200 nghìn đồng/người/năm, tập trung vào người dùng cuối. Quyền lợi bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng/người cho bất kỳ khách hàng có xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau thời điểm mua bảo hiểm, mà không giới hạn độ tuổi.

Gói Corona Care của VASS chưa được phê chuẩn đã tung ra thị trường.

Liên quan đến sự việc, Chất lượng Việt Nam Online đã liên hệ với phía doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.

Bê bối nhà máy nước sông Đuống

Không chỉ VASS, mới đây, Công ty Cổ phần Nước AquaOne cũng vướng nhiều bê bối. Trong đó, nổi cộm lên là việc nhà máy vận hành khi chưa được nghiệm thu; chọn nhà thầu tai tiếng để thực hiện dự án. Cụ thể, như Chất lượng Việt Nam online đã thông tin, về dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống, theo Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng, công trình của nhà máy vẫn chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.

Thậm chí, doanh nghiệp của Shark Liên còn khiến nhiều người cho rằng, họ đang “tiền trảm hậu tấu”. Cụ thể, ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng có công văn số 447/GĐ-GĐ3 gửi UBND TP.Hà Nội về việc khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1. Công văn nêu rõ: Công trình nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 đã được Cục Giám định tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.

Tuy nhiên còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.

Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32 Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng. Công văn cũng lưu ý UBND TP.Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.

Mặc dù vậy, bất chấp những tồn tại có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình đã được Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng chỉ rõ, CTCP nước mặt sông Đuống vẫn tiến hành lễ khánh thành sau đó đưa nhà máy vào khai thác, sử dụng, cấp nước cho người dân.

Việc làm mang tính “tiền trảm hậu tấu" thời điểm đó của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khiến dư luận hết sức lo ngại đồng thời đặt ra câu hỏi liệu có phải công ty này đang bỏ ngoài tai những chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan chức năng hay không? trường hợp công trình khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã vội vã vận hành, khai thác có ảnh hưởng xấu tới chất lượng, đem lại rủi ro cho công trình?

Tác giả: Thảo Nguyên

Nguồn tin: vietq.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP