Trong nước

'Từ sau Gạc Ma, Hải quân đã vượt nhiều khó khăn để giữ vững chủ quyền'

Nguyên Tư lệnh binh chủng công binh Hải quân chia sẻ về những gian khó mà Hải quân Việt Nam đã vượt qua để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng.

Ngày 14/3, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng thời kỳ 1984-1988 tổ chức gặp mặt các cựu binh và thân nhân liệt sĩ ngã xuống khi bảo vệ chủ quyền Gạc Ma, tròn 30 năm trước. Khoảng 300 người tham dự đã dành một phút mặc niệm 64 liệt sĩ.

Thiếu tướng Hoàng Kiền nói các liệt sĩ Gạc Ma đã hy sinh anh dũng khi bảo vệ lãnh thổ tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Đông.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh Hải quân 83 chia sẻ, dịp tưởng niệm 30 năm này, ông rất xúc động khi được gặp lại gia đình thân nhân các liệt sĩ và những người lính từng bị Trung Quốc bắt, và qua lễ tưởng niệm cũng như trên truyền thông đã cho thấy sự quan tâm của nhân dân.

Tướng Kiền cho biết, năm 1988, hải quân Việt Nam với người và vật lực hạn chế, nhưng những người lính đối mặt với quân Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã rất anh dũng. "Anh em hy sinh để lại hình ảnh vòng tròn bất tử bằng máu, quyết giữ lá cờ Tổ quốc", ông nói.

Theo ông, Trung Quốc chọn thời điểm giữa tháng 3 gió mùa Đông Bắc rất mạnh, sóng lớn để thực hiện âm mưu đánh chiếm các đảo chìm của ta ở Trường Sa. Trong khi các tàu của hải quân Việt Nam lúc bấy giờ nhỏ, chịu sóng gió kém, chưa có định vị vệ tinh, đi dễ lạc đường. Các tàu phóng lôi và tàu tên lửa, tàu pháo của hải quân Việt Nam lúc đó đều là loại nhỏ, tiến công ven bờ, chịu sóng gió kém, không có khả năng tác chiến dài ở ngoài Trường Sa. Trung Quốc thì có các tàu chiến lớn với số lượng đông và hoả lực mạnh...

Từ trái qua, bốn cựu binh Thoa, Hiền, Thống, Đông - những người từng chiến đẩu trong trận đụng độ tại Gạc Ma, bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Ảnh: Nguyễn Đông.

Có 10 năm gắn bó với Trường Sa, ông Kiền cho biết từ sau sự kiện Gạc Ma, Hải quân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để cùng với các lực lượng khác giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc, không phụ lòng các anh hùng nằm lại lòng biển khơi.

Ngay sau khi Trung Quốc chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma, những người lính hải quân Việt Nam chỉ với tàu kéo thô sơ, cũ kỹ tiếp tục lên đường ra Trường Sa để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Chúng ta tiếp tục lắp dựng bổ sung các nhà C3, nhà sắt C2, nhà lâu bền C1 trên các đảo chìm giữa Trường Sa trong mùa sóng gió để chốt giữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam", ông nói và cho biết, đến nay, trên toàn quần đảo Trường Sa, hải quân Việt Nam có 33 điểm đóng quân được bảo vệ ngày đêm.

Đại tá Hoàng Duy Lập nói sự kiện Gạc Ma là đỉnh điểm của chiến dịch mà Trung Quốc đã toan tính từ trước. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83, cho biết sự kiện ngày 14/3/1988 "là đỉnh điểm của một chiến dịch mà kịch bản đã được Trung Quốc tính toán từ trước".

Ông nói, xương máu của 64 liệt sĩ đã hòa cùng dòng biển Gạc Ma và tinh thần dũng cảm của các anh sẽ mãi mãi là thiên sử anh hùng. "Xin vinh danh các anh hùng Gạc Ma. Và thế hệ trẻ mai sau hãy quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc", đại tá Lập nhắn nhủ.

Tại buổi lễ, trường ĐH Đông Á Đà Nẵng và Ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng đã trao quà cho 10 gia đình liệt sĩ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, cùng 5 cựu binh ở Quảng Bình, Đăk Lăk, Phú Yên từng bị Trung Quốc bắt giữ.

Tháng 3/1988, Việt Nam đưa tàu ra xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền của nước ta tại Quần đảo Trường Sa.

Rạng sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến cướp cờ, giết hại chiến sĩ. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. 64 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị bắt. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.

Tác giả: Nguyễn Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP