Pháp luật

Thiếu nữ mang xác mẹ nuôi để ngoài bãi rác đối diện hình phạt nào?

Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ hành vi để xác mẹ ngoài bãi rác của đối tượng Uyên để tránh việc bỏ lọt tội phạm.

Như đã đưa tin, Công an TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đang tạm giữ Trần Thị Uyên (28 tuổi) vì nghi có liên quan tới cái chết của bà Lê Thị Liên (71 tuổi, cùng ngụ tỉnh Bình Phước, là mẹ nuôi của Uyên).

Bước đầu, Trần Thị Uyên khai nhận trước đó bà Lê Thị Liên bị bệnh nặng. Ít ngày trước khi xảy ra vụ việc, Uyên thấy bà Liên bị trượt chân té nên đã tự chăm sóc bà tại nhà.

Tuy nhiên, bà Liên đã tử vong tại nhà do bệnh nặng. Tối 2/4, Uyên bọc thi thể bà Liên vào chiếu, sau đó chở ra bỏ ở bãi tập kết rác tạm, cách nhà gần 2km.

Công an TP.Đồng Xoài cũng cho biết, chưa đủ cơ sở để xác định Uyên là hung thủ giết mẹ nuôi, tuy nhiên vẫn tạm giữ đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục tổ chức khám xét tại nhà ở của Uyên và nạn nhân, thu thập chứng cứ, gửi mẫu vật đi giám định để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Hiện trường nơi phát hiện thi thể bà Liên. Ảnh: TP

Liên quan tới vụ việc đang gây xôn xao dư luận trên, trưa 5/4, PV Báo Gia đình và Xã hội đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn.

Ông Đoàn bày tỏ quan điểm, đây có thể nói là một vụ việc “sốc” xét cả về mặt đạo lý và pháp luật. Việc đối xử với thi thể một người đã chết bằng hành vi vứt ra ngoài bãi rác kể cả đối với ngoài đã là không thể chấp nhận được, huống chi ở đây là ân nhân, là mẹ nuôi của đối tượng. Và lý do mà cô gái đưa ra để biện minh cho việc làm của mình là do hoảng quá, không biết làm gì… là không thể chấp nhận được.

"Quá trình thực hiện hành vi của Uyên là chờ đến đêm khuya, vắng người mới mang xác mẹ nuôi đi vứt, nó chứng tỏ có điều gì đang bị che giấu phía sau. Điều này, CQCA phải điều tra, làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm. Đối với những hành vi vô nhân tính, bất chấp luân thường đạo lý như của Uyên trong câu chuyện kể trên, cơ quan pháp luật cần phải xử lý thật nghiêm minh, đồng thời xã hội cần phải lên án một cách mạnh mẽ", ông Đoàn nói.

CQCA đưa Trần Thị Uyên đến nhà nạn nhân để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: Tư liệu

Dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Gia Hải (chuyên viên pháp lý Công ty Luật LSX – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Dựa trên lời khai tại cơ quan điều tra, bước đầu có thể kết luận: Trần Thị Thuyền Uyên đã phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả người khác theo điều 319 BLHS 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể:

“ Điều 319. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Bên cạnh đó, Trần Thị Uyên có thể sẽ phải đối diện với khung hình phạt lên đến 07 năm tù nếu kết quả điều tra của cơ quan chức năng đủ căn cứ chứng minh hành vi của nghi can này thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều 319 – BLHS 2015.

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;

c) Vì động cơ đê hèn;

d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.”

Tác giả: Xuân Thắng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP