Cuộc sống

Nữ giáo viên sợ làm “chuyện ấy” với chồng vì lý do bất ngờ liên quan đến nhà vệ sinh

Khi bị hội chứng phụ thuộc toilet, nhiều người do tâm lý e ngại không đi khám sớm khiến tình trạng ngày càng nặng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.

Đóng bỉm đi làm, sợ gần gũi chồng vì đi tiểu nhiều

TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, thời gian qua khoa tiếp nhận một số bệnh nhân mắc phải hội chứng phụ thuộc toilet (nhà vệ sinh) đến khám trong tình trạng khá nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

BS Liên cho biết, đa số các bệnh nhân đều đã ở mức độ nặng, không thể chịu đựng được mới đến bệnh viện khám để bác sĩ tư vấn, điều trị. Nhiều bệnh nhân chia sẻ đây là chuyện tế nhị, không phải bệnh cấp tính, không ảnh hưởng đến tính mạng ngay nên chấp nhận “sống chung” trong một thời gian dài.

Điển hình như trường hợp một nữ giáo viên tên H.T.H. (38 tuổi, ở Hà Nội) đi khám một mình trong tình trạng khá e dè. Trước đó bệnh nhân đến nhiều bệnh viện tư, học theo các cách chữa truyền miệng nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, nhiều năm nay chị gặp phải tình trạng buồn đi tiểu liên tục, mỗi ngày đi tiểu vài chục lần. Do tình trạng này ảnh hưởng đến công việc nên chị phải xử lý bằng cách đóng bỉm hàng ngày.

Nữ bệnh nhân mắc hội chứng phụ thuộc nhà vệ sinh bị ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

“Không chỉ đi tiểu liên tục và không kiểm soát được, nhiều lúc chỉ ho, hắt hơi mạnh, nước tiểu cũng tự ra dù đã cố kiềm chế nhưng không được. Từ khi gặp phải vấn đề này, việc quan hệ tình dục với chồng cũng bị ảnh hưởng vì không thể kiểm soát được cơn buồn tiểu khi “đang yêu”. Do vậy, ngay cả chuyện chăn gối tôi cũng rất sợ và không dám gần gũi chồng”, chị H. chia sẻ.

Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 45 tuổi, cũng đến khám trong tình trạng tương tự chị H., khi số lần đi tiểu ngày càng tăng lên. Cách đây 20 năm, khi mang thai con đầu lòng, nữ bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện đi tiểu nhiều.

Triệu chứng ban đầu là chị bị tức bàng quang và khoảng một tiếng đi tiểu một lần, nếu uống nước thì đi tiểu liên tục. Không chỉ ban ngày mà đêm chị cũng bị tình trạng này, cứ một tiếng phải "thăm" nhà vệ sinh một lần. Mặc dù bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi, bác sĩ kiểm tra và cho rằng không vấn đề gì nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày càng trầm trọng.

Không xử lý sớm sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt

TS Nguyễn Đình Liên cho biết, qua thăm khám cả hai bệnh nhân đều bị chung một vấn đề đó là hội chứng phụ thuộc Toilet (nhà vệ sinh). Đây là một hội chứng có biểu hiện lâm sàng phong phú, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là phải đi tiểu nhiều lần, hoặc phải mất nhiều thời gian trong nhà vệ sinh.

“Hội chứng này tuy không gây chết người nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến công việc, sinh hoạt,… và làm suy sụp tinh thần, chất lượng sống của bệnh nhân”, TS Liên cho hay.

Khi thấy biểu hiện đi tiểu nhiều, đái buốt, đái rắt cần nhanh chóng đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này có thể do bệnh lý về hệ tiết niệu như u tuyến tiền liệt gây bí đái, đái khó; viêm bàng quang cấp hay mạn tính, viêm bàng quang kẽ; bàng quang thần kinh; viêm tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo,…

Ngoài ra, cũng có thể do mắc bệnh lý đại - trực tràng, hậu môn như hội chứng rối loạn hấp thu ở ruột non hay đại tràng; hội chứng đại tràng kích thích, viêm đại tràng do lỵ vi khuẩn hoặc amip; polyp đại - trực tràng, viêm trực tràng chảy máu do xạ trị,…

Theo TS Liên, hội chứng này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh do cơ thắt đường tiểu kém. “Hiện nay với sự tiến bộ của y học, người bệnh hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, tập thể dục cơ ở vùng kín, kết hợp uống thuốc và can thiệp ngoại khoa”, BS Liên chia sẻ.

Với hai trường hợp bệnh nhân trên, sau khi kết hợp điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, tâm lý học (điều trị ngoại khoa khi có nguyên nhân tắc nghẽn bài xuất phân, nước tiểu,…) hiện tình trạng đã được cải thiện nhiều. Theo đó, bệnh nhân kéo dài số lần đi tiểu lên 3 tiếng/lần.

TS Liên cho biết, bất cứ ai sau khi có biểu hiện đi tiểu nhiều lần/ngày, xuất hiện đái buốt, đái rắt, đái đêm... thì cần đến bệnh viện có chuyên khoa thận tiết niệu kiểm tra.

TS Liên cũng khuyến cáo, để phòng hội chứng này mọi người cần thay đổi lối sống, nếu rối loạn tiểu tiện cần kiêng đồ uống gây lợi tiểu hay mất ngủ, đồ chứa chất kích thích như cafein, chè, tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ…

Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP