Trong tỉnh

Nghệ An: Có hay không việc giả mạo hồ sơ để chiếm đất?

Đang được giao là chủ sở hữu quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng bỗng dưng được chính quyền địa phương “tiếp sức” để hợp thức hóa hồ sơ có dấu hiệu giả mạo cho người khác.

Sự việc xảy ra tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An khiến dư luận không khỏi bức xúc trước cách làm tắc trách của cán bộ ở đây.

Ông Phạm Văn Thông trên mảnh đất mình được giao sử dụng nay bỗng dưng bị người khác tranh chấp

Bỗng dưng bị chiếm đất

Theo đơn trình bày của ông Phạm Văn Thông trú tại xóm 13, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc thì từ năm 1995, bố anh là cụ Phạm Văn Trung (nay đã mất) đã có đơn xin cấp đất và được chính quyền xã cấp một lô đất ở với diện tích 289m2.

Cụ thể, vào ngày 20/10/1995, ông Phùng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ đã ký xác nhận cấp đất cho ông Phạm Văn Trung số diện tích đất nói trên tại xóm 13. Nghĩa vụ theo quy định lúc bấy giờ khi được xác nhận QSDĐ thì ông Phạm Văn Trung phải nộp số tiền là 421 nghìn đồng, có ghi biên lai đầy đủ.
Tuy nhiên, chẳng hiểu lý do gì, đến nay số diện tích đất nói trên lại được “trao tay” cho người khác với lý do là ông Phạm Văn Trung khi còn sống đã chuyển nhượng cho ông Hoàng Minh Sơn trú tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc?!

Ông Phạm Văn Thông cho rằng, về thủ tục hồ sơ gốc, rõ ràng phần diện tích đất đai tại xóm 13, xã Nghi Phong từ năm 1995 đến nay thuộc quyền sử dụng của bố mình là Phạm văn Trung. Hiện nay, gia đình ông lại phát hiện vị trí, số diện tích đất nói trên lại bị ông Hoàng Xuân Lâm là con của ông Hoàng Minh Sơn trú ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc đòi lại.

“Vì nghĩ giấy tờ gốc mình còn lưu giữ nên chúng tôi nghĩ không ai có thể vào đó chiếm giữ để ở cả. Hơn nữa, vì điều kiện chưa cho phép nên mới đây chúng tôi mới lên xã để làm thủ tục cấp QSDĐ thì phát hiện tranh chấp xảy ra. Mà tranh chấp này lại xảy ra sau khi cụ thân sinh anh em chúng tôi mất đi” – ông Phạm Văn Thông cho biết.

Cũng theo gia đình ông Phạm Văn Thông thì không chỉ phát hiện thửa đất của mình bị chiếm mà khi đi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lại bị ông Hoàng Xuân Lâm khiếu nại, đòi ngược lại.

Xác nhận kiểu “tiền hậu bất nhất”

Trong những tài liệu, hồ sơ mà ông Phạm Văn Thông cung cấp, tại vị trí đất mà chủ tịch UBND xã Nghi Phong lúc bấy giờ ký, xác nhận quyền sử dụng cho gia đình, chúng tôi nhận thấy việc cá nhân ông Hoàng Xuân Lâm khiếu nại, đòi đất của người khác không có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Việc ông Hoàng Xuân Lâm trưng ra giấy tờ liên quan đến nội dung bố ông là cụ Hoàng Minh Sơn và Phạm Văn Trung đã có giấy chuyển nhượng trao tay cho nhau diện tích đất nói trên có nhiều điểm khập khiễng, phi logic.

Đó là UBND xã Nghi Phong khi đó là ông Phùng Văn Bình, làm Chủ tịch lại ký xác nhận chuyển nhượng mảnh đất nói trên của ông Trung cho ông Hoàng Minh Sơn vào ngày 15/10/1995 nhưng nội dung xác nhận đồng ý giao đất cho ông Phạm Văn Trung vào ngày 20/10/1995.

Mặt khác, trong giấy chuyển nhượng đất nói trên ghi rõ ngày 01/11/1995 nhưng dấu giáp lai xác nhận của UBND xã Nghi Phong vào biên bản này lại đề ngày 15/10/1995. Như vậy, UBND xã Nghi Phong đã xác nhận vào biên bản chuyển nhượng đất này trước khi biên bản được lập tận 16 ngày.

Ngoài ra, nội dung thực hiện việc chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Phạm Văn Trung và Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ghi chung chung, không rõ ràng về địa chỉ, diện tích thửa đất… Và các giấy tờ, văn bản hồ sơ liên quan được đại diện UBND xã Nghi Phong lúc bấy giờ xác nhận thời gian theo kiểu “tiền hậu bất nhất”.

Ông Phạm Văn Thông khẳng định, trong các giấy tờ mà ông Hoàng Xuân Lâm (con trai ông Hoàng Minh Sơn) trưng ra để “ép” chính quyền địa phương cấp đất do gia đình tôi đang sử dụng là giả mạo, không trùng khớp với nhau.

Ai “tiếp tay” cho việc lập hồ sơ giả?

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết, vụ việc tranh chấp đất đai giữa 2 gia đình ông Lâm và ông Thông đã được chính quyền địa phương thụ lý, tổ chức hòa giải tới 3 lần những các bên chưa thống nhất với nhau.

Ông Nguyễn Đình Hải cũng thừa nhận nhiều điểm phi lý, không logic trong các bút lục, giấy tờ mà ông Hoàng Xuân Lâm cho rằng thửa đất mà gia đình ông Phạm Văn Thông đang sử dụng đã được chuyển nhượng trước đó.

Được biết, sau khi vụ việc tranh chấp nói trên xảy ra, UBND xã Nghi Phong cũng đã có văn bản báo cáo vụ việc lên UBND huyện Nghi Lộc và các cơ quan chức năng để hướng dẫn, giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề vì sao cá nhân ông Hoàng Xuân Lâm lại có được các giấy tờ dưới có dấu hiệu giả mạo hồ sơ để tranh chấp đất đai cũng đang là câu hỏi dành cho cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ, tránh bức xúc kéo dài trong dư luận.

Và, trách nhiệm cá nhân, tổ chức nào đã tiếp tay cho hành vi giả mạo nhằm mục đích chiếm đất đai trái phép cũng cần được làm rõ.

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP