Đẹp

Nắng có lợi ích gì cho sức khỏe?

Nhiều cây lá héo úa và thậm chí tàn lụi chỉ vì thiếu nắng. Con người thiếu nắng cũng xanh xao và thiếu sức sống.

Nói chung, nắng rất cần cho sự sống của muôn loài. Tuy nhiên, bên cạnh sự ích lợi, nắng cũng gây ra những điều bất lợi khác...

Cấu tạo và bản chất

Nắng rất cần cho sự sống. Đại văn hào Nga Marksim Gorky đã từng có câu: “Sống không tiếng hát như không ánh nắng Mặt trời!”. Ông đem sự cần thiết của tiếng hát trong cuộc sống ví với ánh nắng Mặt trời chứ không so sánh với những báu vật gì khác trong thiên nhiên. Điều đó minh chứng cho tầm quan trọng của nắng.

Con người và muôn loài, nói chung không thể sống thiếu ánh nắng Mặt trời. Nắng mang lại niềm cảm xúc mê đắm cho các thi nhân để dệt nên những vần thơ kỳ diệu. Nhưng đối với sức khỏe con người thì nắng vừa có tác dụng tích cực, vừa có tác động tiêu cực. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và các thanh thiếu niên. Do vậy, có thể nói, nắng là một con dao hai lưỡi mà chúng ta cần phải biết “xài” sao cho có hiệu quả nhất.

Nắng được tạo ra từ những hạt điện từ. Các hạt điện từ tập trung thành dạng sóng với nhiều bước sóng khác nhau. Đây là một thứ ánh sáng phổ rộng phát ra từ bức xạ điện từ của kho năng lượng khổng lồ là Mặt trời. Khi chiếu từ Mặt trời xuống thì ánh sáng mà ta quen gọi là nắng đã được thanh lọc bởi các tầng khí quyển bọc quanh Trái đất. Nắng tồn tại song hành các đặc tính là bức xạ ánh sáng và bức xạ nhiệt.

Đơn vị đo bước sóng gọi là nanô mét. 1 nm bằng một phần tỉ mét. Bước sóng của nắng phân thành hai nhóm là bước sóng ngắn (< 320nm) và bước sóng dài (> 760nm). Bước sóng ngắn có năng lượng cao gồm các tia X, tia gamma, tia cực tím, tia tử ngoại… Bước sóng dài có năng lượng thấp, gồm các tia như tia hồng ngoại, tia radio…

Nắng mà chúng ta nhìn thấy thực chất chỉ là một phần so với cái mà chúng ta không nhìn thấy được mà thôi. Trong phổ ánh sáng Mặt trời, mắt người chỉ cảm nhận được dải ánh sáng trắng, có bước sóng từ 400 - 760nm. Khi cho dải ánh sáng trắng đi qua lăng kính sẽ thu nhận được 7 màu cơ bản như chúng ta đã biết.

Tác dụng

Điều mà nhiều người biết là ánh sáng Mặt trời tác động lên da giúp cho cơ thể hấp thu được một lượng vitamine D dồi dào. Đó là nhờ tia bức xạ Mặt trời tác động lên một chất luôn thường trực ở trong da có tên gọi là 7-dehydrocholesterol và biến nó thành vitamine D.

Vitamine D là chất xúc tác cần cho quá trình chuyển hóa calcium, tạo dựng khung xương, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và các thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển. Vì vậy, việc “tắm nắng” giúp chống lại bệnh còi xương.

Nắng có tác dụng kích thích tuần hoàn, gia tăng hàm lượng oxy trong máu, tăng nồng độ serotonin gây phấn chấn tinh thần và sự lạc quan yêu đời.

Ngoài ra, nắng còn có tác dụng làm tăng tính miễn dịch của cơ thể, kích thích sự tái tạo các tế bào, chữa lành các vết thương trên da, chống viêm và chống sự xung huyết.

Tác hại

Nắng làm hại da: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tắm nắng “quá liều lượng” làm cho làn da rám nắng là không tốt cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Một làn da rám nắng là một làn da bị tổn thương do tác động của tia tử ngoại Mặt trời. Sự thương tổn này không mất đi mà “tích tụ” lại cho đến tuổi trưởng thành và có khả năng trở thành bệnh ung thư da.

Ngoài ra, nắng còn làm cho da mất nước trở nên khô và có nhiều nếp nhăn, làm chết nhiều tế bào da gây ra hiện tường da sần sùi, giảm tính đàn hồi.

Nắng làm hại mắt: Nếu ở lâu ngoài ánh nắng Mặt trời gay gắt mà không có kính râm bảo vệ, nắng có thể gây ra các thương tổn cho mắt như viêm giác mạc, bỏng võng mạc, đục thủy tinh thể và thoái hóa hoàng điểm. Các thương tổn này xảy ra là do trong nắng Mặt trời có tia cực tím với cường độ ánh sáng quá mạnh chiếu vào mắt, gây tổn thương các tế bào cấu trúc tạo thành các bộ phận của mắt.

Cách hạn chế sự bất lợi của nắng

Bảo vệ da: Trước hết cần phải bảo vệ da bằng phương pháp cơ học như mặc quần áo kín khi ra nắng, mang khẩu trang che mặt, đội nón, mũ, che dù. Nên đi những chỗ có bóng râm hoặc ít nắng.

Các chuyên gia khuyên nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da, tránh tác động bất lợi của tia tử ngoại. Lưu ý không sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì làn da ở độ tuổi này không thích hợp với mọi loại hóa chất.

Cách dùng: Bôi kèm chống nắng trước khi đi ngoài nắng khoảng 15 phút. Tác dụng kéo dài khoảng 3 - 4 giờ. Sau đó nếu tiếp tục đi phải bôi lại. Trường hợp ra nhiều mồ hôi thì cần bôi lại sau 1 giờ vì kem bị trôi theo mồ hồi.

- Bảo vệ mắt: Đeo kính râm có tác dụng chống tia cực tím khi đi ngoài trời nắng. Không nên nhìn thẳng vào ánh sáng Mặt trời, vì tia cực tím sẽ chiếu thẳng vào mắt. Sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt có chứa các loại vitamine và axit amin có lợi cho mắt để phòng các bệnh mắt do ảnh hưởng của nắng.

Nói chung, để bảo vệ da, mắt mọi người nên hạn chế tối đa việc đi ngoài trời trong những giờ cao điểm của nắng, khoảng từ 11 – 15 giờ. Sử dụng các phương tiện bảo vệ da và mắt như có thể, khi phải đi ngoài trời nắng gắt.

Tác giả: Mai Hữu Phước (Thạc sĩ Y học)

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

  Từ khóa: nắng ,lợi ích ,sức khỏe

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP