Giáo dục

Một lớp có 45/51 học sinh được tuyển thẳng đại học

Dù học hệ không chuyên, lớp 12A1, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm vẫn đạt được thành tích nổi bật. 45/51 em được tuyển thẳng, nhiều em đạt trên 27 điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều năm kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, vẫn bất ngờ vì lần đầu tiên chủ nhiệm lớp học với sĩ số 51 em, 31 em trong số đó là nam.

Cô Nga chia sẻ, không chỉ riêng Hà Nội, tất cả trường học trên cả nước đều chịu áp lực nặng hơn do khóa học sinh 2003 đông hơn các khóa trước. Tất cả 51 học sinh lớp 12A1 của cô Nga đều học giỏi, thông minh, nhưng các em cũng rất hiếu động, thường xuyên bày những trò "nhất quỷ nhì ma" khiến giáo viên chủ nhiệm đau đầu.

45/51 học sinh lớp 12A1 được tuyển thẳng đại học. Ảnh: NVCC.

Sau 3 năm đồng hành cùng lớp 12A1, giờ đây, cô Nguyễn Thị Nga cùng các học sinh vỡ òa trong hạnh phúc khi phần lớn học sinh đều đạt được kết quả thi ấn tượng, 45 em được tuyển thẳng vào đại học.

Nhiều học sinh được tuyển thẳng 4, 5 trường

Theo thông tin cô Nguyễn Thị Nga cung cấp, trong số 45 học sinh được tuyển thẳng, nhiều em được 4, 5 trường tuyển thẳng cùng lúc. Một số em có nguyện vọng đi du học nên không đăng ký xét tuyển đại học trong nước.

Phần lớn học sinh được tuyển thằng đều được nêu tên trong danh sách của các trường danh tiếng tại Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Anh ninh...

Trong đó, em Phạm Mỹ Ngọc đậu tuyển thẳng 4 trường là Học viện Ngoại giao, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Tài chính, Đại học Luật Hà Nội.

Em Dương Phương Linh cũng là một trong những gương mặt nổi bật của lớp khi được tuyển thẳng vào 6 đại học ở Việt Nam, bao gồm: Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Tài chính, Đại học Luật Hà Nội.

Cô Nga cho biết thêm, 34/51 học sinh của lớp 12A1 có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, một em có chứng chỉ TOEFL iBT và một em có chứng chỉ SAT.

19 em có IELTS 7.0 trở lên, 3 em đạt IELTS 8.0 là Đỗ Hồng Anh, Nguyễn Minh Thắng và Nguyễn Tuấn Duy. Nguyễn Tuấn Duy cũng là gương mặt duy nhất của lớp có chứng chỉ SAT với kết quả 1440/1600.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn khi phải ôn thi trong mùa dịch, tập thể lớp 12A1 vẫn đạt được nhiều thành tích ấn tượng.

Cụ thể, 12 học sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển đạt 27 điểm trở lên, 5 em đạt điểm trên 28. Trong đó, em Phạm Mỹ Ngọc đạt 28,35 điểm theo tổ hợp xét tuyển khối B, em Bùi Phương Minh đạt 28,25 điểm khối A1, em Nguyễn Thị Mai Phương đạt 28,05 điểm khối D7 (Toán, Hóa, Anh).

Dù là lớp theo khối A1, các em vẫn đạt điểm trung bình môn Ngữ văn là 7,4. Nhiều em đạt 8 điểm Văn trở lên, 3 em đạt 9 điểm môn này là Đặng Lê Thương, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Thái Sơn.

Theo thống kê, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT môn Toán của lớp 12A1 là 8,5, môn Vật lý là 7,5. Điểm trung bình môn Tiếng Anh có kết quả ấn tượng nhất là 9,3.

Cô Nguyễn Thị Nga được học sinh gọi là "mẹ Nga". Ảnh: NVCC.

Luôn gọi cô chủ nhiệm là mẹ

Cô Nga chia sẻ với Zing, chủ nhiệm một lớp đông, nhiều nam sinh như lớp 12A1 có nhiều thuận lợi và khó khăn. Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm lấy điểm đầu vào khá cao, vì thế chất lượng học sinh luôn được đảm bảo.

Bên cạnh học tập, lớp 12A1 có thế mạnh ở các hoạt động tập thể của lớp, trường. Vào các dịp được tổ chức đi dã ngoại, những cô cậu học sinh trổ tài chế nhạc, ca hát theo cách riêng. Nhiều em tham gia câu lạc bộ của trường và giữ vị trí chủ tịch, phó chủ tịch câu lạc bộ.

Học sinh lớp 12A1 đều thông minh, đa tài, học giỏi. Tuy nhiên, do lớp đông con trai, cô Nga nhiều lần trải qua những câu chuyện dở khóc dở cười do học sinh bày ra.

Ngay từ khi lên THPT, cả lớp đã thống nhất gọi cô giáo chủ nhiệm là "mẹ Nga". Cô Nga cảm thấy hạnh phúc khi được học sinh yêu quý, tin tưởng, coi mình như người mẹ thứ hai. Đó là nguồn động viên lớn để cô đồng hành, cùng lớp 12A1 trải qua 3 năm học với những kỷ niệm khó quên.

Cô giáo kể rằng những khi học trò quậy phá, cô sẽ "phạt" các em bằng cách không cho gọi mẹ. Sợ mẹ Nga buồn, các em chủ động nhận lỗi và không tái phạm.

Khi lên lớp, cô Nga luôn đề cao không khí học tập vui vẻ, thoải mái, không đặt nặng áp lực thành tích, điểm số cho học sinh. Cô giáo chủ nhiệm nhận thấy khóa học sinh 2003 thiệt thòi nhiều do phải học online trong 2 năm. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc ôn thi và tâm lý học của các em, nên cô không muốn tạo nhiều sức ép cho học trò.

Cô giáo chủ nhiệm hy vọng sau khi tốt nghiệp THPT, tất cả 51 học sinh lớp 12A1 sẽ vững vàng bước tiếp, luôn nhìn cuộc sống bằng lăng kính tích cực, sống vui vẻ và lạc quan.

"Tôi hy vọng các em sẽ trở thành những người tốt, sống lương thiện. Khi đối xử tử tế với người khác, các em sẽ nhận lại những điều tốt đẹp", cô Nga nói.

Tác giả: Minh Thúy

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP