Cuộc sống

"Mình ở với vợ mới cưới được đúng 10 ngày rồi biền biệt tới nay…"

Đó là lời tâm sự chân thành của chàng sĩ quan trẻ tuổi ở Đồn Biên phòng Mù Cả (xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) khi tôi tình cờ hỏi chuyện gia đình anh. Dẫu vẫn biết cuộc đời người lính luôn như vậy, khi tính kỷ luật và đáp ứng nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, song tôi hay bất kỳ ai nghe câu chuyện của anh đều thấy cảm phục ý chí, nỗ lực của người “Bộ đội Cụ Hồ” ấy.

Trong chuyến làm việc ở các đồn biên phòng Tây Bắc, có rất nhiều câu chuyện để một nhà báo quan tâm. Nhưng trong thâm tâm mình, tôi luôn cảm thấy ấn tượng nhất với những câu chuyện “đời” của người lính biên phòng.

Khi đứng trong hàng ngũ quân đội, có lẽ chuyện xa nhà, xa vợ con không còn là điều gì mới mẻ đối với mỗi chiến sĩ. Nhưng dường như với người lính biên phòng, sự xa cách đó còn thêm phần trắc trở, vì những con đường nối vị trí đóng quân của họ về gia đình vô cùng hiểm trở, quanh co khó đi đến nản lòng…

Chàng sĩ quan trẻ chắt chiu 10 ngày bên vợ mới cưới

Trong bữa cơm đầu tiên ở Đồn Biên phòng Mù Cả, tôi đã rất ấn tượng với anh – Đội trưởng Đội vũ trang, Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1986, quê ở Lào Cai). Ấn tượng vì anh có nụ cười hiền khô rất dễ tạo cảm tình cho người đối diện, và cả vì vẻ “bẽn lẽn” khiến người khác phải tò mò.

Sau bữa cơm, một cách tình cờ, tôi có cơ hội trò chuyện với anh khi trời dần về khuya, sương mù bao phủ kín đồn, tạo ra một không gian dường như cởi mở hơn để con người ta bộc bạch nỗi lòng.

- Sinh năm 86 là chững chạc lắm rồi đấy! Hùng lấy vợ chưa?

- Mình có vợ rồi!

- Con Hùng được mấy tuổi rồi?

- (Cười)… Bộ đội mà! Lấy vợ muộn là bình thường. Nhà mình chưa có bé. Mình ở với vợ mới cưới được đúng 10 ngày rồi biền biệt tới nay…

Lời tâm sự chân thành ấy tuy giản đơn, nhưng dường như ẩn chứa nhiều cảm xúc khó diễn tả bằng lời.

Đội trưởng Đội vũ trang của Đồn Biên phòng Mù Cả, Thượng úy Nguyễn Mạnh Hùng, với nụ cười hiền khô

Hùng nhập ngũ từ tháng 9 – 2006, tới nay đã được 11 năm. Từng ấy thời gian là đủ để giúp anh hiểu rõ về sự đặc thù của những người lính phục vụ trong quân đội.

Hiện giờ, mỗi năm anh được nghỉ phép 20 ngày, thêm 5 ngày đi đường nữa là 25 ngày (thời gian đi đường được xác định tùy vào quãng đường dài hay ngắn). Trong 25 ngày nghỉ phép mỗi năm ấy, anh quen cô gái mà số phận đã sắp đặt để cùng anh nên duyên vợ chồng. Và cũng trong một quãng nghỉ phép tương tự khác, vợ chồng anh chính thức về cùng một nhà.

“Thế nên tính ra, sau khi làm xong các thủ tục cưới hỏi, còn đúng 10 ngày phép cuối là mình được ở với vợ”, Hùng kể mà ánh mắt đưa xa xăm, có lẽ anh đang tìm lại được sự bồi hồi, xúc động khi tâm trí tái hiện những khoảnh khắc hạnh phúc bên người vợ trẻ.

Theo chia sẻ của Hùng, vợ anh là giáo viên mầm non đang dạy tại Sìn Hồ, cũng thuộc tỉnh Lai Châu. Nghe cùng tỉnh cứ ngỡ là gần, nhưng khác huyện, khoảng cách giữa hai vợ chồng cũng ngót nghét 200 cây số, trong đó nhiều đoạn đường rất khó đi.

“Với mình thì thế có là gì đâu. Bây giờ chỉ cần được nghỉ phép, là bất kỳ lúc nào, mình cũng lên xe chạy tới chỗ vợ được ngay”, lời bộc bạch kèm nụ cười hiền khô của Hùng vẫn cho người đối diện thấy được cái chất rất riêng của người lính vùng biên, đó là chất sôi nổi, quyết liệt mà không thiếu đi tình cảm.

Có điều thú vị là không chỉ có Hùng, rất nhiều anh em chiến sĩ biên phòng mà tôi gặp trong chuyến đi này đều lấy vợ làm nghề giáo viên. Tưởng như cái duyên ấy chỉ tồn tại trong quá khứ, thì nay, những người lính biên phòng đang chứng minh rằng trong bất kể hoàn cảnh nào, “cô giáo” cũng là người thấu hiểu và chia sẻ tuyệt vời nhất đối với những chàng trai khoác áo lính.

“Xa nhau biền biệt như thế, biết là vợ buồn, cô đơn lắm, nhưng biết làm sao? Bọn mình cũng đã xác định trước khi cưới rồi, để cô ấy quen với hoàn cảnh. Cứ khi nào rảnh, được dùng điện thoại là mình lại gọi điện an ủi, động viên vợ. Mà cô ấy ở một mình cũng thích nghi lắm, những việc khó cần bàn tay của đàn ông, cô ấy giờ cũng tự làm được rồi”, câu chuyện của Hùng cứ đan xen như vậy, có buồn, có động viên, lại có những niềm vui lấp lánh.

Có lẽ vui nhất là khi nhắc về tương lai, khi người sĩ quan trẻ nghĩ về những đứa con bé bỏng chào đời.

“Lúc nhỏ, có khi con chẳng nhận ra bố vì bố đi suốt. Nhưng có gì đâu, mình tin là khi con lớn hơn, con sẽ biết, sẽ thông cảm và yêu bố hơn. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”…

Đến hôm sau, tới giờ chuẩn bị hành quân tuần tra biên giới, tôi giật mình khi nghe giọng một người sĩ quan rắn rỏi, chắc nịch, ra mệnh lệnh rõ ràng để các chiến sĩ tiếp nhận thông tin.

Thật bất ngờ! Đó chính là Hùng, người đội trưởng đội vũ trang của Đồn. Không còn là nụ cười hiền khô quen thuộc, hay vẻ khiêm tốn “bẽn lẽn” ấn tượng ban đầu. Khi bước vào nhiệm vụ, Hùng thể hiện rõ sự quyết đoán, rõ ràng và nghiêm túc, đúng chất “nhà binh”.

Khi ấy, tôi chỉ còn biết nghĩ thầm trong bụng “lính biên phòng là thế! Thật tuyệt!”

“Nếu có một điều ước, em ước được về thăm nhà. Nhớ bố mẹ quá!”

Như một cơ duyên, tôi có thêm thời gian trò chuyện với Lù Go Chì (SN 1995) và Lò Văn Tuân (SN 1997). Cả hai bạn trẻ này đều ở Lai Châu, và cùng nhập ngũ từ tháng 2-2016.

Trong khi Chì có dáng vẻ hiền hiền, thì Tuân lại khiến người đối diện dễ bắt chuyện vì sự chân chất của mình.

Để làm quen, tôi hỏi hai bạn đã có người yêu chưa.

“Chưa, chưa đâu ạ!”, câu trả lời ngượng nghịu của hai người lính trẻ làm tôi bỗng nhớ đến lời nói đùa của một chiến sĩ khác tại Đồn lúc chiều, “Có người yêu thì cũng bị bỏ thôi anh ơi, ai chịu được sự xa xôi cách trở thế này”.

Câu chuyện của Chì và Tuân cứ nhẹ nhàng trôi đi, nhưng cũng đủ để người mới quen hiểu về những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ trẻ mới bước chân vào quân ngũ.

Hai chiến sĩ biên phòng Lù Go Chì (trái) và Lò Văn Tuân

Như Chì hay Tuân, việc nhà nông không phải thứ gì quá xa lạ, nhưng khi vào Đồn, làm mọi việc dưới sự kỷ luật và “chuẩn” của quân đội, thì cả hai bạn đều học thêm được nhiều điều.

Chì kể, lúc mới vào, ngại nhất là khi nghe báo động lúc 1-2 giờ sáng, vì chưa quen di chuyển theo lệnh nên rất khó khăn để thích nghi. Còn Tuân không thể quên những giờ phút đầu tiên khi tiếp xúc với “báo động hành quân”, lúc thực hiện các động tác bò trườn, bạn đã bị xước hết tay, lột da chảy máu ròng ròng. Vết thương nặng tới nỗi hơn một tháng sau mới khỏi…

Hay có thời điểm, khi đang thực hiện nhiệm vụ, Tuân nghe tin người nhà qua đời. Mọi khó khăn lúc đó như dồn cả vào người chiến sĩ trẻ này: Tâm lý dao động, mệt mỏi, lại bị ốm sốt, không thể ăn uống được gì…

Thế nhưng, điểm chung của mọi khó khăn đó là họ đều vượt qua được nhờ sự an ủi, động viện của các sĩ quan chỉ huy và đồng đội.

“Có những giây phút khó khăn, trải qua cùng nhau, thì mới thấy tình cảm đồng đội tuyệt vời như thế nào, anh ạ”, cả hai chiến sĩ trẻ đều có chung chia sẻ.

Có lẽ, hơn ai hết, họ là những người cảm nhận rõ nhất câu khẩu hiệu thường xuất hiện ở vị trí trung tâm tại các đồn biên phòng quốc gia: “Đồn là nhà, Biên giới là quê hương”.

Nói về những kỷ niệm khoác áo lính như thế, có lẽ khuôn khổ một bài báo chẳng thể nào ghi ra hết…

Tới lúc nói về điều ước nếu có, cả Chì, cả Tuân đều lập tức trở nên sôi nổi đến lạ thường, với ánh mắt sáng ngời. Và điều lạ là, hai anh chàng này lại… ước giống nhau. “Nếu được ước, em ước về phép thăm bố mẹ. Em nhớ bố mẹ lắm! Xa nhà lâu, có những lúc gọi điện về gặp bố mẹ, phải kìm nén lắm để không òa lên…”

Song dường như chính những giây phút khó khăn, vất vả để rồi vượt qua tất cả, và sau đó làm chủ được những cảm xúc rất thật bên trong con người mình đã giúp cho Chì, cho Tuân cùng nhiều chiến sĩ trẻ khác trưởng thành và rắn rỏi hơn.

Lại nói về mơ ước và dự định tương lai, Tuân muốn sẽ đi học trường công an để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc, còn Chì muốn đi học lái xe ôtô để tự mình cầm vô-lăng đi qua những khúc đường đèo quanh co, hiểm trở của vùng núi rừng Tây Bắc.

Tôi tin những chiến sĩ biên phòng trẻ ấy sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Bởi điều quan trọng là họ đã được tôi rèn trong môi trường quân ngũ, đã đảm nhận nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vất vả là đảm bảo an toàn cột mốc biên cương, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đã làm được như vậy, còn khó khăn nào khuất phục nổi người chiến sĩ quân đội vùng biên?

Tác giả bài viết: Nguyễn Trung Hiếu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP