Giáo dục

Lãnh đạo ngành GD Nghệ An đối thoại với cán bộ, nhà giáo, người lao động

Chiều 12/1, tại huyện Đô Lương, Sở GD&ĐT Nghệ An - Công đoàn Giáo dục tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại với hơn 300 cán bộ, nhà giáo, người lao động các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ và Anh Sơn.

Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhà giáo, người lao động.

Tiếp tục nóng vấn đề đội ngũ

Đây là lần thứ 2 ngành giáo dục và đào tạo tổ chức hội nghị đối thoại với cán bộ nhà giáo, người lao động. Lần đầu tiên, ngành đã tổ chức đối thoại với cụm các đơn vị giáo dục thuộc khu vực miền núi tây bắc Nghệ An: Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong...

Liên quan đến hội nghị này, trước đó Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã tiếp nhận 54 ý kiến từ 4 huyện Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác tài chính và các chế độ, chính sách cho CBNGNLĐ; tổ chức bộ máy, cán bộ; công tác thi đua khen thưởng. Ngành đã giao cho các bộ phân chuyên môn trả lời, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến những nhóm vấn đề trên.

Ngành giáo dục Nghệ An tổ chức hội nghị đối thoại với cán bộ nhà giáo, người lao động.

Tại hội nghị, các đại biểu có những câu hỏi, chia sẻ trực tiếp với lãnh đạo ngành giáo dục. Vấn đề thiếu giáo viên được nhiều đơn vị đề cập, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học.

Ông Nguyễn Tất Tây – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương cho hay, huyện đang thừa thiếu cục bộ giáo viên. trong đó, bậc THCS thừa nhiều dù 14 năm qua không hề tuyển dụng thêm. Trong khi tiểu học thiếu trầm trọng nhưng lại không tuyển được, đặc biệt là theo Luật giáo dục sửa đổi, yêu cầu giáo viên bậc học này phải có bằng ĐH mới đạt chuẩn. Vừa qua, phòng có 8 chỉ tiêu giáo viên tiểu học nhưng chỉ tuyển được 4 người.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương cũng đề cập đến những tồn tại liên quan đến vấn đề viên chức biệt phái. Hiện Phòng chỉ có 3 công chức, còn 8 cán bộ khác là biệt phái, khiến hoạt động của đơn vị biến động, vất vả.

Hiệu trưởng một số trường tại huyện Anh Sơn cũng nêu ra bất cập liên quan đến trường phổ thông cơ sở. Đây là trường liên cấp 1 + 2, trong cùng một trường xảy ra thừa giáo viên THCS, thiếu ở tiểu học nhưng không thể nào bố trí, sắp xếp từ khối này sang khối kia do đặc thù chuyên môn khác biệt.

Trước đó, ngành giáo dục Nghệ An cũng đã có văn bản xin Bộ Nội vụ bổ sung hơn 7.400 biên chế. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được bổ sung, gây khó khăn cho các nhà trường, đặc biệt là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lắng nghe, giải quyết kiến nghị của nhà giáo

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các giáo viên đến từ huyện vùng khó khăn của huyện Anh Sơn và Tân Kỳ cũng bày tỏ lo ngại về việc tổ chức bán trú. Đặc biệt là hiện nay đang thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính và việc xét công nhận địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong khi việc tổ chức bán trú của nhiều trường đang phụ thuộc trợ cấp của Chính phủ. Từ năm 2021 nếu các trường này không nằm trên địa bàn được ưu tiên thì việc tổ chức bán trú sẽ không còn khả thi.

Cán bộ, nhà giáo nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại

Đại diện lãnh đạo một số trường cũng nêu ra vướng mắc, bất cập trong việc sử dụng các phần mềm quản lý dữ liệu ngành, học sinh; vấn đề trường trực thuộc Sở GD&ĐT và trường trực thuộc huyện, thành thị; việc đánh giá, xếp hạng cho các năm học...

Tại hội nghị đối thoại, đại diện các phòng ban của Sở GD&ĐT Nghệ An đã trực tiếp giải đáp thắc mắc, ý kiến của các nhà giáo. Một số ý kiến vượt tầm của ngành, ngành cũng đã tiếp thu, tổng hợp để gửi lên các ban, ngành liên quan.

Vấn đề thiếu giáo viên đang là khó khăn của nhiều trường tiểu học, mầm non tại Nghệ An

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ với những khó khăn, bất cập từ cơ sở. Đồng thời đưa ra những giải pháp trong thời gian sắp tới. Sở sẽ tiếp tục tham mưu để xin bổ sung thêm biên chế cho ngành giáo dục. Thời gian tới sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đặc biệt là từng bước sáp nhập những trường lớp có quy mô nhỏ, điểm trường lẻ để nâng cao hiệu quả giáo dục. Đây cũng là cơ sở để ngành quy hoạch lại đội ngũ, quy hoạch lại vấn đề về chuyên môn...

Ông Thái Văn Thành cũng khẳng định: Đối thoại là kênh quan trọng để ngành giáo dục nắm bắt được thực tiễn từ cơ sở. Với trách nhiệm của ngành, Sở sẽ kiến nghị chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan, từng bước tham mưu, tháo gỡ những khó khăn để công tác giáo dục đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.

Ông Kha Văn Tám – Chỉ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục với cán bộ, nhà giáo người lao động. Ngành giáo dục cũng là hệ thống có đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động đông đảo. Đại diện Liên đoàn lao động tỉnh mong muốn lãnh đạo Sở GD&ĐT, Công đoàn GD ngoài sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn, tiếp tục có sự quan tâm, chăm lo đời sống, quyền lợi đến đội ngũ nhà giáo. Về phía Liên đoàn Lao động cũng sẽ đồng hành, chia sẻ, bảo vệ quyền lợi của đội ngũ lao động ngành giáo dục.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP