Kinh tế

Diễn Châu sôi động mùa xáo lạc

Nghề thu mua lạc hay còn gọi là xáo lạc đã có từ lâu, được xem là nghề truyền thống ở một số xã ở Diễn Châu, tạo việc làm cho hàng ngàn gia đình với mức thu nhập cao.

Nghề xáo lạc vào mùa ở Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang

Tuy mới đầu mùa nhưng mỗi ngày anh Phạm Bàng - xóm 17 Diễn Thịnh đã thu mua tới cả tấn lạc tươi về phơi khô, xay bán lạc nhân cho các đại lý. Anh chia sẻ: Tui làm nghề buôn lạc cũng được cỡ 12 năm rồi. Mấy năm trước đi nhiều dừ ít người phụ ở nhà nên chỉ đi vài chục tấn. Một tấn lạc tươi phải phơi nắng to 3 ngày mới xong, về xay, sàng xảy nhặt thì mới bán cho người ta được. Mỗi tháng thu nhập được vài chục triệu đồng.

Với sự nhạy bén của người dân trồng lạc nên Diễn Thịnh là nơi xuất hiện nghề xáo lạc đầu tiên ở Diễn Châu với hơn chục năm. Trong tổng số 3.000 hộ toàn xã thì có tới 1.200 hộ làm nghề thu mua, chế biến lạc và có 6 đại lý chuyên xuất khẩu lạc. Từ chỗ chỉ thu mua trong huyện bằng xe đạp rồi xe máy, nay người dân Diễn Thịnh sắm cả ô tô tải để lấy hàng ở tận Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa với lượng lạc lạc vỏ tới gần 15.000 tấn/vụ.

Lạc nhân sau khi chế biến chuẩn bị xuất đi Trung Quốc. Ảnh: Mai Giang

Cùng với việc mua lạc về phơi khô, xay bán lạc nhân cho các đại lý xuất khẩu thì người làm nghề xáo lạc ít vốn hơn đã chọn cách thu mua tại ruộng và bán lạc tươi cho các đại lý. Tuy bán qua tay thu lãi ít hơn nhưng mỗi ngày cũng thu lãi 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Chị Hồ Thị Hoa - xóm Thịnh Thành - xã Diễn Kim cho biết: Mình không có điều kiện để mà dự trữ, xay bán lạc nhân nên mua được từng nào lạc tươi là bán cho đại lý luôn.

Cùng với bà con làm nghề thì 12 đại lý lớn cũng vừa thu mua tại ruộng, vừa thu mua cho đội ngũ hàng xáo. Với việc đầu tư hệ thống kho chứa hàng, máy hút chân không, máy xay, sàng… để sơ chế và bảo quản nên tuy thu mua nhiều nhưng chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo.

Vào mùa, với lượng bán ra từ 20 - 30 tấn/ngày cho các thị trường trong và ngoài nước nên tại các cơ sở đều thường trực hơn 30 công nhân chuyên bốc vác, xay, tuyển lựa lạc…

Chị Đậu Thị Nhàn - chủ một đại lý thu mua lạc xóm 9, Diễn Thành cho biết: Một ngày thì bán được cỡ 5-7 tấn lạc lẻ đi thị trường Hà Nội - Hải Phòng, còn mà xuất khẩu thì được 20 chục tấn.

Lạc nhân của Diễn Châu xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Mai Giang

Diễn Châu là huyện trọng điểm của Nghệ An về sản xuất lạc với diện tích 3.000 héc ta/vụ, sản lượng đạt khoảng 9.000 tấn. Thu mua, chế biến, xuất khẩu lạc là nghề truyền thống, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động ở Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Vạn, Diễn Hùng, Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn An. Nghề này chỉ kéo dài khoảng 2 tháng từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm nhưng trung bình mỗi người làm nghề xáo lạc thu lãi từ 30 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Riêng các đại lý thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Cao Hiếu - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh trao đổi: Nghề xáo lạc thì giúp bà con nhân dân có việc làm, đưa lại thu nhập cao nên đời sống bà con được nâng lên. Bà con làm nông nghiệp và tranh thủ làm thêm nghề xáo lạc cũng thu nhập tới 50 triệu đồng/năm. Trước mỗi mùa thu hoạch lạc thì UBND xã làm việc làm việc với một số ngân hàng cũng như qũy tín dụng nhân dân xã để tạo điều kiện cho bà con vay vốn trữ hàng.

Lạc nhân Diễn Châu đã chinh phục được nhiều thị trường trong nước và bạn hàng nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...Qua đó, tạo điều kiện để huyện tiến tới xây dựng thành công thương hiệu lạc Diễn Châu./.

Tác giả: Mai Giang
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP