Xã hội

Có thật 'trần sao âm vậy' hay đốt siêu xe, biệt thự chỉ để thỏa mãn thói u mê của nhiều người?

"Việc đốt hàng mã hiện nay sai lệch với tinh thần, tín ngưỡng từ bi của người Á đông, nó chỉ để thỏa mãn thói u mê của con người".

Cứ vào dịp rằm tháng 7, người người nhà nhà lại đổ xô đi đốt vàng mã. Ban đầu, vàng mã chỉ là chút tiền vàng để tỏ lòng thành trước là với tổ tiên, sau là bày tỏ lòng từ bi thương xót chia sẻ với các vong linh bạc mệnh, nên tháng 7 âm còn được gọi là tháng Cô hồn. Tuy nhiên càng về sau, những thứ được mang đi hoá vàng ngày càng có giá trị lớn. Nào là siêu xe, biệt thự, lâu đài, phi cơ...Với quan niệm u mê "trần nào âm vậy", có những nhà bỏ ra hàng triệu thậm chí hàng trăm triệu cho mỗi cái lễ đốt vàng mã.

Trước tư duy ngày càng biến tướng lệch lạc này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ có những chia sẻ với Báo điện tử VTC News.

Những ngôi nhà lầu bề thế, siêu xe được đốt vào mỗi dịp rằm tháng 7.

Một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo trong năm là rằm tháng 7 với ý nghĩa Vu Lan báo hiếu. Vào những ngày này, mọi nhà đều chuẩn bị đồ cúng với một chút tiền vàng cho người đã khuất. Hành động này mang một ý nghĩa rất đẹp. Đó là sự tưởng nhớ tới tổ tiên, nhắc nhở con cháu nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của những người đã khuất.

Nhiều nhà còn chuẩn bị những cái lễ nhỏ thường là cháo loãng, muối, gạo, bánh kẹo... để thể hiện sự thương xót đối với những linh hồn không nơi trú ngụ.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, ý nghĩa của việc cúng rằm tháng 7 trở nên biến tướng rất nhiều.

Trước tiên, phải khẳng định rằng, đốt vàng mã không nằm trong triết lí của Phật giáo, không thuộc tinh thần của Phật giáo. Đó là một tập tục mang tính một văn hóa tín ngưỡng du nhập từ Trung Quốc.

Người ta từ xa xưa có niềm tin rằng, ngoài cõi trần còn có một cõi khác là cõi âm. Ở đó mọi người sinh hoạt hay có những thói quen tiêu xài vật chất hệt như những người đang sống.

Nếu như tục đốt vàng mã trước kia mang tinh thần hướng thiện, nhớ tới tổ tiên thì ngày nay nó trở thành thứ để xin xỏ, đối chác, mặc cả với thánh thần.


Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, chưa có cơ sở nào chứng mình cho niềm tin này. Thế nhưng, với quan niệm "trần sao âm vậy", người ta đua sắm những món đồ hàng mã có giá trị hàng triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để cúng rồi đem đi đốt.

Có những người con khi cha mẹ còn sống thì coi chẳng ra gì nhưng khi họ mất thì lại sắm những món hàng mã đắt tiền để tỏ lòng hiếu thảo.

Nếu như trước kia, người Việt chỉ cúng một ít tiền vàng thì ngày nay, người ta đốt cả USD, siêu xe, nhà lầu, thậm chí cả phi cơ. Cái suy nghĩ, đốt những đồ vật này rồi người âm sẽ nhận được và sử dụng, như vậy thì ý nghĩa chân chính và lòng thiện của phong tục, một niềm tin tín ngưỡng trở thành mê tín (u mê).

Có nhiều người nửa đùa nửa thật nói vui rằng, đốt siêu xe, phi cơ cho người âm nhưng không đốt xăng thì người âm lấy đâu ra nhiên liệu để khiến các phương tiện kia hoạt động.

Hành động đốt vàng mã không chỉ gây tác động xấu tới môi trường, gây nguy hiểm mà còn sự lãng phí khủng khiếp.

Tôi từng đọc được thông tin vào năm 2016 người dân nước ta chi phí cho việc đốt hàng mã lên tới 16 tỷ đồng. Đó là một con số khiến không ít người sửng sốt.

Điều đáng lưu ý nhất hiện nay ý nghĩa của tục đốt vàng mã ngày càng trở nên quái đản. Nếu như trước đó chỉ đơn giản là hành động tưởng nhớ tổ tiên, thương xót những vong linh không nơi trú ngụ thì này nó trở thành một hành động mà người trần mang ra trao đối với những người ở cõi âm.

Trong khi đốt vàng mã, người nào chả lầm rầm khấn bái rằng họ đã đốt những cái gì và cầu xin người âm phù hộ cho họ buôn may bán đắt, thăng quan tiến chức, tai qua nạn khỏi.

Thậm chí, còn có những kẻ gây ra tội ác và với mong muốn được thoát tội, thoát khởi sự trừng trị của luật nhân quả liền đốt hình nhân thế mạng.

Có những nhà bỏ ra hàng trăm triệu trong những lần đốt vàng mã (Ảnh: Tiền phong).

Nếu như tục đốt vàng mã trước kia mang tinh thần hướng thiện, nhớ tới tổ tiên thì ngày nay nó trở thành thước đo của lòng thành kính, để xin xỏ, đối chác, mặc cả với thánh thần nhằm có được chức tước, bổng lộc. Nó trở thành thành động chỉ để thỏa mãn tâm lý con buôn, tâm lý cầu lợi của nhiều người.

Việc đốt hàng mã hiện nay sai lệch với tinh thần, tín ngưỡng từ bi của người Á đông. Nó chỉ để thỏa mãn thói u mê của con người.

Tác giả: NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN THỌ

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP