Kinh tế

“Người dân còng lưng đóng phí BOT, tiền chảy vào túi tư nhân…”

Đó là phát biểu của ông Trần Văn Sơn-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Đà Nẵng tại buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ do Bộ KH&ĐT chủ trì vào sáng 26.7.

Tại buổi làm việc lấy ý kiến, đóng góp của Đà Nẵng về việc sửa đổi Luật Đầu tư hiện hành, nhiều ý kiến, đóng góp từ các lãnh đạo Sở của UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ ra các kẽ hở, lỗ hổng trong Luật Đầu tư hiện hành.

Ông Trần Văn Sơn-Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng cho rằng, hiện nay quy định về đầu tư dự án BOT đang thiếu chặt chẽ, thậm chí có thể nói là đang thả lỏng.

Người dân còng lưng đóng phí, tiền chảy vào túi tư nhân, ông Sơn phát biểu (ảnh Đình Thiên)


“Các chủ đầu tư dự án BOT đang khai báo dự toán thu phí BOT thấp hơn nhiều hơn với thực tế, có thể lên tới 50%. Việc này đã khiến thời gian thu phí dự án BOT kéo dài, người dân thì còng lưng đóng phí, tiền thì chảy vào túi tư nhân”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng chỉ ra kẽ hở trong quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong nước đã giúp cho nhà đầu tư nước ngoài trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc“lách luật” để cùng sở hữu đất tại TP Đà Nẵng. Để giải quyết tình trạng đáng lo ngại này, ông Sơn cho rằng Luật đầu tư nên có quy định rõ khi nhà đầu tư nước ngoài muốn góp vốn, đóng cổ phần với các doanh nghiệp trong nước để sử dụng đất cần phải tổ chức thẩm định kỹ, phải lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, trong đó có cả quân đội, công an…

Ông Trần Văn Sơn còn cho hay, thời gian qua trên địa bàn thành phố đã diễn ra rầm rộ các thương vụ chuyển nhượng các dự án FDI lớn nhưng ngân sách thành phố lại không thể thu thêm được đồng thuế nào. “Vụ chuyển nhượng khu nghĩ dưỡng khách sạn Resort Hyatt (quận Ngũ Hành Sơn) trị giá hơn 1.000 tỷ đồng đã diễn ra giữa công ty mẹ ở nước ngoài và đối tác nhưng Resort Hyatt vẫn giữ nguyên pháp nhân trong nước. Lổ hổng này khiến thành phố không thể thu được đồng thuế nào hết cả”, ông Sơn ví dụ.

Nhiều bất cập khác của Luật Đầu tư hiện hành được nhiều ý kiến chỉ ra. Ví dụ, hiện nay các dự án BT (xây dựng-chuyển giao) rất nhỏ đang được khuyến khích đổi đất lấy hạ tầng nhưng phần cấp đất phải trình ra Trung ương. Việc này tốn rất nhiều thời gian, thậm chí lên đến hàng năm trời khiến nhiều chủ đầu tư nản lòng bỏ cuộc, cuối cùng phải dùng ngân sách để thực hiện. Thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị trung ương nên phân cấp, phân quyền cho các tỉnh thành phố lớn để cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư…

Ông Đào Quang Thu-Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của Đà Nẵng rất sát thực tế, Đoàn công tác sẽ báo cáo lại với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sữa đổi Luật.

Tác giả bài viết: Đình Thiên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP