Kinh tế

4 thách thức lớn đợi tân Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí

Liên tiếp 3 Chủ tịch tiền nhiệm bị khởi tố gồm Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, và Nguyễn Quốc Khánh, giá dầu thì xuống đáy kỷ lục. Chưa bao giờ ngành Dầu khí đối mặt với nhiều khó khăn như giai đoạn vừa qua.

Ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn đã chính thức được điều động về giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Hàng loạt những thách thức đang đặt ra đợi tân Chủ tịch PVN giải quyết.

Ổn định tâm lý, lấy lại uy tín ngành dầu khí

Liên tiếp 3 Chủ tịch tiền nhiệm bị khởi tố gồm Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn, và Nguyễn Quốc Khánh, chưa bao giờ ngành Dầu khí đối mặt với nhiều khó khăn như giai đoạn vừa qua.

Sau cú sốc giá dầu giảm xuống mức đáy là hàng loạt lãnh đạo gồm các Chủ tịch, thành viên HĐTV và thành viên Ban TGĐ bị khởi tố, khó có thể nói rằng tâm lý của các kỹ sư, cán bộ thuộc PVN không bị dao động. Do đó, ổn định tâm lý đội ngũ kỹ sư, cán bộ công nhân viên trong toàn tập đoàn sẽ là nhiệm vụ trước mắt của ông Trần Sỹ Thanh.

Tại Buổi làm việc với PVN đầu tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Tập đoàn về một số vấn đề liên quan để ngành Dầu khí tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với đất nước. Đảng, Nhà nước và xã hội đang dõi theo các hoạt động của Tập đoàn để xem “Chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt lên không? Đó là câu hỏi đặt ra đối với Đảng bộ, lãnh đạo Tập đoàn”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần “trong khó khăn, càng phải vững vàng”.

Trong mọi hoàn cảnh, Dầu khí luôn là lĩnh vực có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Hơn nữa, Dầu khí là ngành có nhiều thế hệ kỹ sư, nhà khoa học, cán bộ công nhân viên tâm huyết với ngành Dầu khí đã góp phần xây dựng văn hóa ngành dầu khí, tạo nên thương hiệu PVN. Thổi lửa sức sáng tạo và sự tin tưởng, cống hiến cũng là trọng trách đặt trên vai người đứng đầu Tập đoàn.

Tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh.

Thoái vốn tại các công ty con, công ty ngoài ngành

Để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, PVN đã lên kế hoạch thoái vốn tại một loạt công ty con. Làm thế nào để các đợt thoái vốn này thành công, đem lại nguồn ngân sách lớn nhất cho nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên, cũng sẽ là thách thức không dễ dàng.

Theo kế hoạch, trong năm 2018 PVN sẽ tiến hành IPO và chuyển nhượng cổ phần cho đối tác chiến lược tại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu (PV Oil) và Tổng Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas). Ngoài ra, PVN cũng có thể thực hiện thoái vốn tại Tổng Công ty phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI), Cảng Phước An và CTCP Đông Dương Xanh.

Khắc phục hậu quả những người tiền nhiệm để lại

Sau một loạt những sai phạm của các lãnh đạo tiền nhiệm từ thời ông Đinh La Thăng để lại, các dự án như PVTex, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Ethanol Phú Thọ, khoản vốn bị mất tại OceanBank,… đã và đang để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Xử lý hậu quả người tiền nhiệm để lại, tập trung triển khai hiệu quả các dự án đầu tư, quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý các dự án chưa hiệu quả, chậm tiến độ, có lẽ sẽ là công việc được dư luận quan tâm nhiều nhất đối với tân Chủ tịch PVN.

Thúc đẩy kinh doanh năm 2018

Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn mới đây đã công bố một số kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật của Tập đoàn trong năm 2017. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2017 các chỉ tiêu gồm: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm 2017, đạt 437,8 ngàn tỉ đồng vào ngày 25/11/2017; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm, đạt 74,6 ngàn tỉ đồng trước 2 tháng; sản xuất xuất đạm hoàn thành kế hoạch năm, đạt 1,52 triệu tấn vào ngày 8/11/2017…

Với những kết quả trên, dự kiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong năm 2017.

Đến nay PVN chưa công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018, tất nhiên, ngoài nỗ lực của PVN nói riêng, việc tập đoàn có hoàn thành kế hoạch 2018 hay không còn phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971 tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 2004, ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước Việt Nam. Sau đó ông giữ chức Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam.

Năm 2008, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn bổ nhiệm vào chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2010, ông Thanh được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau đó được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Năm 2012, ông thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015 thay người tiền nhiệm là ông Nông Quốc Tuấn về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Năm 2015, ông được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (Khóa XI). Sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương.

8 tháng sau, ông lại được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và chính thức nhận chức vụ này từ ngày 28 tháng 10 năm 2015.

Tác giả: Hiền Anh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP