Nhiều loại thực phẩm khó giảm giá dù giá xăng giảm - Ảnh: NGUYỄN TRÍ |
Theo ghi nhận tại nhiều siêu thị, chợ ở TP. HCM ngày 16-4, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt, tăng 1.500 - 2.000 đồng so với trước đó. Thịt gà công nghiệp ở mức 60.000 - 90.000 đồng/kg; giá dầu ăn 45.000 - 80.000 đồng/ lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với năm ngoái.
Tương tự, giá nhiều loại rau củ bán ra tại chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức đang có dấu hiệu tăng so với đầu tháng với bầu, bí đao 11.000 đồng/kg; cà rốt, khoai tây Đà Lạt 23.000 đồng/kg; hành tây 15.000 đồng/kg...
Nhiều siêu thị cho biết đã đề cập với nhà cung cấp giảm giá bán hàng hóa sau khi giá xăng dầu giảm, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu. tuy nhiên, theo hợp đồng thì việc điều chỉnh giá phải cần ít nhất từ 2-3 tuần nên chưa thể áp dụng giảm giá ngay được.
Bà Phạm Thị Huân - chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân - cho biết giá trứng gia cầm bình ổn vừa được tăng là do giá thức ăn, bao bì, tem nhãn, nhân công tăng 10-20% so với năm ngoái, và khả năng còn tăng tiếp. Do đó, chỉ riêng mức giảm giá xăng hiện nay chưa đủ cơ sở để giảm giá bán trứng.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan - cho rằng khi giá thức ăn chăn nuôi, nguyên phụ liệu tăng liên tục thời gian qua thì việc giảm giá bán thực phẩm dựa theo mức giảm giá xăng dầu hiện nay là không khả quan.
Thậm chí một số mặt hàng chế biến như xúc xích, giò chả... có thể sắp tới phải tăng giá bán để hạn chế thua lỗ do giá đầu vào tăng nhanh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch hội Lương thực thực phẩm TP. HCM - cho biết hiện hầu hết các doanh nghiệp vận chuyển chưa chịu giảm giá cước, dù nhiều tuần trước đó đã tăng 8-12% vì yếu tố xăng dầu.
"Nếu giá xăng dầu giảm 3.500 đồng/lít trở lên so với cao điểm và có sự can thiệp từ cơ quan nhà nước thì giá cước vận tải mới có thể giảm, giá thành sản xuất nhờ đó xuống thấp góp phần kéo giá bán sản phẩm giảm", ông Hiến nhận định.
Tác giả: N.TRÍ
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ