Mùa giải 2002, cầu thủ Nguyễn Tiến Thọ của THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành một hiện tượng, khi ghi được tới 12 bàn thắng (gấp đôi mùa giải 2001). Dù đội bóng của chân sút này không giành được danh hiệu nào, nhưng Tiến Thọ tất nhiên đoạt ngôi Vua phá lưới của giải năm ấy.
Phùng Khắc Khải mới chỉ san bằng được con số 12 bàn, chứ chưa thể phá kỷ lục |
Hẳn Nguyễn Tiến Thọ cũng không thể ngờ được rằng mãi cho đến sau này, anh vẫn được nhắc đến như chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử của giải. Suốt 15 năm sau, nhiều thế hệ cầu thủ đã góp mặt, nhiều chân sút đã ghi dấu ấn... nhưng cột mốc 12 bàn vẫn là điều gì đó quá cao để với tới.
Chẳng hạn, năm 2004, Vua phá lưới Trần Anh Việt (THPT Bán công Nguyễn Tất Thành) "chỉ" ghi được 11 bàn. Ba năm sau đó, Nguyễn Thành Trung (THPT Hà Nội Amsterdam) cũng cán mốc tương tự. Hay như mùa 2016 và 2017, hai Vua phá lưới là Hồ Trọng Thế (THPT Nguyễn Thị Minh Khai) và Hoàng Đức Hải (THPT Trần Quốc Tuấn) cũng chỉ kết thúc giải với 10 pha lập công.
Cột mốc 12 bàn tưởng như đã được phá ở mùa giải năm ngoái, khi tiền đạo Phùng Khắc Khải của THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất thể hiện phong độ "hủy diệt", chạm mốc 12 bàn từ vòng tứ kết. Tuy nhiên, ở những trận quyết định như bán kết và chung kết, Khắc Khải lại không thể cải thiện thành tích.
Cầu thủ sinh năm 2001 kết thúc giải 2018 với 12 bàn và giành Vua phá lưới, chỉ san bằng chứ chưa thể phá được kỷ lục tồn tại suốt 16 năm trước đó của đàn anh Nguyễn Tiến Thọ.
Mùa giải 2019 sắp tới, ngoài cuộc đua vô địch gay cấn, một lần nữa cuộc cạnh tranh cho danh hiệu Vua phá lưới lại vô cùng hấp dẫn, trong bối cảnh các đội bóng ngày càng ưa chuộng lối đá tấn công cống hiến. Hãy chờ xem liệu kỷ lục 12 bàn từ năm 2002 có được phá hay không, và ai sẽ là cầu thủ đi vào lịch sử giải đấu này.
Tác giả: Phi Phi
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô