Trong nước

Vì sao một số tỉnh, thành phố không thuộc diện sáp nhập?

Việc mở rộng không gian phát triển là một tiêu chí quan trọng, nhưng không thể tách rời các yếu tố địa lý, văn hóa, an ninh, quốc phòng...

Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai với sự khẩn trương, cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố để bảo đảm tính khả thi, hướng đến mục tiêu chiến lược hàng trăm năm.

Thông tin này được ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết tại cuộc tọa đàm về "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do báo Dân trí tổ chức mới đây.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp đang được thực hiện khẩn trương, song xem xét rất kỹ lưỡng nhiều yếu tố

Ông Phan Trung Tuấn nhấn mạnh: "Trong sắp xếp đơn vị hành chính, mỗi tiêu chí rất quan trọng và được xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo. Mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp các đơn vị hành chính mà chúng tôi đề xuất với các cấp có thẩm quyền là tạo động lực phát triển đất nước ở tầm nhìn dài hạn".

Theo đại diện Bộ Nội vụ, việc mở rộng không gian phát triển là một tiêu chí quan trọng, nhưng không thể tách rời các yếu tố địa lý, văn hóa, an ninh, quốc phòng, quy hoạch vùng và liên vùng. Đồng thời, việc sắp xếp cần đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, như chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Việc chia tách hay sáp nhập các đơn vị hành chính ở từng thời kỳ đều gắn với những đặc thù và điều kiện phát triển cụ thể. Theo ông Tuấn, cách đây 30 năm, việc tách tỉnh Hà Nam Ninh và nhiều tỉnh thành lớn khác xuất phát từ thực tế hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, trình độ cán bộ và mặt bằng dân trí chưa đủ để quản lý hiệu quả một địa bàn rộng lớn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các điều kiện đã thay đổi đáng kể. Ông Tuấn cho biết năng lực cán bộ, trình độ dân trí, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và chuyển đổi số, cùng với mức độ sẵn sàng hội nhập, đã tạo tiền đề cho việc sáp nhập đơn vị hành chính.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương nhấn mạnh rằng sáp nhập không chỉ là giải pháp tất yếu mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Đặc biệt, nhiều tỉnh thành hiện nay đang đối mặt với tình trạng thiếu dư địa phát triển, đặc biệt là quỹ đất dành cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư.

Ông Tuấn lấy ví dụ về TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh, hai địa phương từng là điểm sáng trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay không gian phát triển của các địa phương này đã dần thu hẹp, quỹ đất còn lại rất hạn chế.

Theo ông, nếu mở rộng địa giới hành chính và kết nối với các địa phương lân cận, các đơn vị hành chính mới sẽ có quy mô lớn hơn, dư địa dồi dào hơn, từ đó tạo ra không gian phát triển mang tính chiến lược và lâu dài.

"Việc sáp nhập, vì thế, không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính đơn thuần, mà còn là một giải pháp phát triển bền vững, mở ra dư địa mới để quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai"- ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, việc sắp xếp và sáp nhập đơn vị hành chính các cấp, trong đó bao gồm đề xuất bỏ cấp huyện, phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay. Phương án này nhằm xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, không phải tất cả các tỉnh đều thuộc diện sáp nhập trong đợt này. Ông Tuấn cho biết Bộ Nội vụ đã đề xuất một số tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp, sáp nhập, dựa trên các yếu tố tiềm năng và lợi thế nội tại của từng địa phương.

Ông Tuấn lấy ví dụ về tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa và cho biết hai tỉnh này có diện tích tự nhiên và dân số lớn, đồng thời sở hữu các lợi thế đủ để phát triển độc lập và tạo động lực cho cả vùng.

"Hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung Bộ. Hai tỉnh này có thể ví như "Việt Nam thu nhỏ' với đầy đủ vùng núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, đường bộ, cao tốc..."- ông Tuấn nói và cho rằng những yếu tố này được xem là nền tảng để hai tỉnh tiếp tục phát triển mà không cần sáp nhập trong giai đoạn hiện tại.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính được xây dựng với sự cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo ông Tuấn, việc sáp nhập không chỉ nhằm mở rộng không gian phát triển mà còn hướng đến xây dựng một hệ thống chính quyền hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Các tiêu chí được xem xét bao gồm địa lý, văn hóa, an ninh, quốc phòng, quy hoạch vùng và yêu cầu phát triển bền vững, với mục tiêu tạo động lực phát triển đất nước trong tầm nhìn dài hạn.

Trước đó, theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên hiện trạng. Đó là Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. 52 địa phương còn lại thuộc diện phải sắp xếp, bao gồm cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Tác giả: Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP